Quy hoạch Thủ đô: Văn hoá và di sản là một trụ cột quan trọng

Nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Trong Quy hoạch Thủ đô phải làm rõ được giá trị văn hóa của Hà Nội bằng những ý tưởng mang tính đột phá.

Văn hóa và con người Hà Nội là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô

Chủ trì nhiều hội thảo lấy ý kiến các đơn vị, sở, ngành, chuyên gia về định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực, các khu vực quận, huyện để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải luôn cho rằng, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số. Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng để phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô.

Văn hóa và con người Hà Nội là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Văn hóa và con người Hà Nội là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Từ định hướng này, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu, các đơn vị tư vấn làm rõ nội hàm, nội dung, đặc tính và giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội, cũng như nhận diện các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, xác định những lợi thế vượt trội về tài nguyên văn hóa, xứng với danh xưng là “Thành phố di sản” của cả nước.

Từ đó, các đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện, làm rõ hơn bằng những ý tưởng mang tính đột phá, thể hiện khát vọng phát triển trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Giữ gìn và phát huy các giá trị di sản

Đóng góp vào Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Lê Quân cho rằng, trong xây dựng đồ án Quy hoạch quan trọng này, Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hoá. Vì xa rời văn hoá sẽ không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

"Hà Nội là đô thị có quá trình phát triển lâu dài, quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất cả nước với hàng nghìn di tích, kèm theo đó là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. “Sở hữu” kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng (gồm 5.922 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới; 1.793 Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản tư liệu thế giới; 1.350 làng nghề, làng có nghề...) và có đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân lớn nhất cả nước...

Trong đó, nhiều di sản có giá trị đặc biệt như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò… cùng hàng loạt đền, chùa, miếu cũng như di tích cách mạng khác.

Đa dạng về niên đại, hình thái kiến trúc, cảnh quan và phân bố rộng khắp trên địa bàn, quỹ di sản không chỉ tạo nên đặc trưng của đô thị Hà Nội mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Thủ đô. Trong quy hoạch và tái thiết đô thị, giữ gìn các giá trị cũ luôn đặt ra với việc ưu tiên hàng đầu.

Từ cơ sở này, việc xác định hướng phát triển cho một đô thị vừa phải bảo tồn bề dày trầm tích văn hoá với nhiều lớp lịch sử chất chứa trong mình lại phải tạo ra một cộng đồng đô thị hiện đại, lấy con người làm trung tâm là những tiêu chí giúp Hà Nội có bước phát triển vững vàng".

Hà Nội đang thiếu vắng các công trình hiện đại mang vóc dáng của Thủ đô thời nay

Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, dù Hà Nội có hệ thống di tích dày đặc nhưng các công trình văn hóa thực sự ấn tượng và trở thành “tài sản” trong tâm trí du khách khi mang theo về không nhiều.

Hà Nội cần xem việc xây dựng công trình văn hóa hiện đại như điểm nhấn kiến trúc mới khi xây dựng quy hoạch Thủ đô hiện nay.

Hà Nội cần xem việc xây dựng công trình văn hóa hiện đại như điểm nhấn kiến trúc mới khi xây dựng quy hoạch Thủ đô hiện nay.

Công trình văn hóa hiện có hầu hết là các di tích của thời đại Thăng Long, thành phố đang thiếu vắng các công trình hiện đại mang vóc dáng của Thủ đô thời nay. Thực tế đã có thời điểm Hà Nội khởi xướng xây dựng các công trình văn hóa hiện đại nhưng đều bị bỏ lửng. Điển hình, dự án xây dựng 5 cổng chào ở cửa ngõ Thủ đô bị dừng lại do chưa tìm được sự đồng thuận trong cộng đồng và giới chuyên môn; dự án nhà hát Hoa Sen 2.000 chỗ ngồi, hình dáng như 5 bông sen bị dừng do vấp phải phản ứng của dư luận…

Bởi vậy, Hà Nội cần xem việc xây dựng công trình văn hóa hiện đại như điểm nhấn kiến trúc mới khi xây dựng quy hoạch Thủ đô hiện nay. Tất nhiên, các công trình này có quy mô, kiến trúc đẹp nhưng phù hợp với quy hoạch chung.

TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục nhận diện quỹ di sản hiện có trong quy hoạch giai đoạn tới và có giải pháp để tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết, khu vực phát triển đô thị. 

Chú trọng triển khai quy hoạch và phát triển trục không gian sông Hồng

Nhiều chuyên gia hàng đầu đã nhấn mạnh việc nhận diện đúng các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí văn hóa là yếu tố then chốt, để từ đó có thể phát huy tối đa những tài nguyên văn hóa mà thành phố đang sở hữu.

Các chuyên gia đã đưa ra những nhận thức mới về nguồn lực văn hóa. Trong đó, việc khai thác, phát huy giá trị nguồn lực phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch, tổ chức không gian của thành phố. 

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: “Hà Nội cần chú trọng đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch và phát triển trục không gian sông Hồng. Trong tương lai, sẽ có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Mỗi cây cầu sẽ có những câu chuyện riêng mang nét văn hóa riêng của Hà Nội.

Đây cũng là yếu tố để có thể khai thác du lịch, thu hút du khách. Vì thế, việc quy hoạch sông Hồng không chỉ là về cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ sông theo hướng đô thị hiện đại, mà còn cần tính đến các câu chuyện văn hóa, cũng như cần giải quyết ổn thỏa vấn đề dân sinh hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, Hà Nội cần lưu ý phát triển văn hóa đường phố”.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, 1.000ha ở khu vực hai bên sông Hồng có nhiều tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Hà Nội. Vì thế, thời gian tới thành phố sẽ tập trung phát triển khu vực sông Hồng trở thành không gian xanh, trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Đối với việc khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Vậy phải có giải pháp đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả. Chẳng hạn như cần phải liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách.

Với hướng tiếp cận lấy văn hóa, con người là mục tiêu, là nền tảng, nguồn lực và động lực cho sự phát triển, các đơn vị tư vấn đã chú trọng định hướng phát triển không gian văn hóa trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính