Ngày 7/3/2022, Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 313/QĐ-TTg).
Theo Quyết định 313, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6km2.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư.
Quy hoạch Thủ đô cũng phải có hoạch định để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố.
PV Gia Đình Mới đã ghi lại những ý kiến của lãnh đạo Hà Nội và một số chuyên gia xung quanh tầm quan trọng của việc Lập Quy hoạch Thủ đô đối với sự phát triển của Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 cũng như những hướng đi để hoàn thành sớm, hiệu quả việc lập Quy hoạch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Cơ hội “vàng” để đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển Thủ đô
Lập Quy hoạch Thủ đô là một trong ba nội dung trọng tâm trong năm 2023 của UBND TP. Hà Nội, nhằm tổ chức, phân bổ, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua đó, khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tạo nền tảng phát triển cho hiện tại và tầm nhìn tương lai, là cơ hội vàng để đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô lần này không chỉ là tích hợp lồng ghép tất cả lĩnh vực mà đòi hỏi phải là quy hoạch chiến lược, đặt ra được chiến lược ưu tiên, tạo ra những không gian sáng tạo mới để phát triển và xác định được nguồn lực thực hiện. Cần đề cập các chính sách và sáng kiến phát triển Thủ đô trong bối cảnh liên kết vùng. Đặc biệt quan tâm các lĩnh vực liên quan tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới người dân, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và liên kết đô thị nông thôn. Đây là những vấn đề thời đại, có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô bền vững.
Thành phố mong mỗi lãnh đạo quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành TP, mỗi cá nhân, các nhà khoa học phát huy trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, đóng góp ý kiến, bày tỏ những mong muốn, khát vọng qua việc đề xuất định hướng, mô hình phát triển cụ thể. Từ đó đơn vị tư vấn sẽ giúp biến những khát vọng phát triển đi theo đúng hướng, có tính khả thi cao trong thực hiện.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đơn vị đứng đầu liên danh 7 đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô: Quyết tâm rất lớn từ Thành phố
Lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó, lại phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi đó là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền Thành phố. Thành phố luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch thành phố phụ trách trực tiếp phần việc này gần như song hành với đơn vị tư vấn trong từng buổi, từng ngày làm việc, từng hoạt động cụ thể; thúc đẩy các đơn vị sở, ngành, quận, huyện cùng vào cuộc.
Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 6 tới nay, Liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.
Có một thuận lợi nữa, đó là việc lập Quy hoạch Thủ đô do Liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người đã tham gia với tâm thế coi đây là cơ hội để đóng góp trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, trăn trở của mình vào sự phát triển của Thủ đô. Mỗi người đều coi đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là vinh dự được cống hiến để tạo ra sự kết tinh, đột phá và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì còn có những khó khăn nhất định. Vì lập Quy hoạch Thủ đô thực sự là vấn đề lớn, có nhiều yếu tố phức tạp do lần đầu thực hiện theo phương pháp tích hợp, do vậy, để Quy hoạch đạt chất lượng thì rất cần sự tham gia rộng rãi của nhiều tổ chức, người dân. Đặc biệt, những người thực hiện phải biết gạt bỏ những yếu tố ràng buộc vì lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đứng trên góc độ lợi ích toàn cục, vì sự phát triển của Thủ đô, bộ mặt, hình ảnh của cả quốc gia.
Hà Nội đang đứng trước cơ hội 'vàng' định hướng phát triển của Thủ đô trong thời đại mới với sứ mệnh tạo hình mẫu, dẫn dắt cả nước.
Tuy nhiên, việc lập Quy hoạch Thủ đô thực sự là “bài toán khó” đặt ra cho bất cứ đơn vị tư vấn nào. Lập Quy hoạch Thủ đô là một nhiệm vụ phức tạp, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau.
Để lập được bản quy hoạch đúng nghĩa cho Thủ đô, cần đánh giá được lợi thế, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Thành phố; đồng thời nêu bật được những đặc thù riêng có của TP Hà Nội để từ đó biến thành sức mạnh của Hà Nội. Tiếp đó, cần nhận định, phân tích rõ xu thế thời đại đang tác động như thế nào đến Hà Nội với tư cách là Thủ đô dẫn dắt cả nước, đại diện cho quốc gia phát triển thành đô thị cạnh tranh hàng đầu và định hình rõ sứ mệnh, vai trò, chức năng của Hà Nội đối với đất nước, phát triển ở tầm quốc gia.
Sau quá trình đánh giá, lựa chọn, việc hình thành liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị, tập hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau cho thấy đây là bước đổi mới và được kỳ vọng sẽ đáp ứng các thách thức, yêu cầu đặt ra.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh: Khẩn trương từng ngày, từng giờ
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 07/3/2022, cơ quan tổ chức lập quy hoạch (UBND Thành phố) và cơ quan lập quy hoạch (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) đã triển khai nhiều công việc để thực hiện.
UBND Thành phố thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan lập quy hoạch; thành lập và kiện toàn Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô; ban hành các Kế hoạch triển khai lập Quy hoạch Thủ đô để quản lý, điều hành triển khai các bước theo quy định.
UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác lập Quy hoạch Thủ đô đối với các sở, ngành Thành phố; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đánh giá, rà soát công tác quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, chuẩn bị các nội dung, kế hoạch để phối hợp với cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô. Bước đầu, các đơn vị đã có báo cáo rà soát công tác lập quy hoạch của ngành, địa bàn phụ trách để tiếp tục triển khai bước cụ thể và chi tiết hơn (lập các phương án quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô).
Lãnh đạo UBND Thành phố đã chủ trì tổ chức hơn 40 cuộc họp để triển khai công tác chuẩn bị lập quy hoạch Thủ đô, đặc biệt Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì 08 cuộc họp để định hướng về nội dung cũng như công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô.
Thành phố đã mời các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, văn hóa, tổ chức không gian, là những người có uy tín, chuyên môn cao, đặc biệt là rất có tâm huyết đối với sự nghiệp hoạch định, tổ chức phát triển Thủ đô để tham vấn cho Chủ tịch UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo, Tiểu Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô các nội dung liên quan đến công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô.