Những thực phẩm, đồ uống dành cho người bị rối loạn giấc ngủ

Bình luận

Khi bị rối loạn giấc ngủ nếu không điều trị sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Cần làm gì để chữa chứng rối loạn giấc ngủ?

  Rối loạn giấc ngủ gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh

Rối loạn giấc ngủ gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Theo TS.BS Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần trung ương, rối loạn giấc ngủ gặp ở hầu hết các rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm, hưng cảm, nghiện chất....).

Bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ thường than phiền về số lượng giấc ngủ (ngủ không đủ thời gian hoặc nhiều hơn thời gian cho phép); chất lượng giấc ngủ (ngủ dậy còn cảm giác mệt mỏi, uể oải, còn buồn ngủ...); hoặc có tình trạng khó vào giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khó ngủ lại khi thức giấc, thức dậy sớm...; hoặc các biểu hiện xảy ra trong khi ngủ như: gặp ác mộng, mộng du, cơn hoảng loạn khi ngủ....

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh.

Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Người bị mất ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo như trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì...

Giấc ngủ là một phần quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người giống như thức ăn và nước uống. Trong đó toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm dừng hoạt động tri giác, ý thức, các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại.

Thời lượng giấc ngủ cần thiết khác nhau giữa các lứa tuổi ví dụ: trẻ sơ sinh cần 14-17 giờ/ngày, trẻ 1-2 tuổi cần 11-14 giờ/ngày, 6-13 tuổi cần 9-11 giờ/ngày, người lớn cần 7-9 giờ/ngày, người cao tuổi cần 7-8 giờ/ngày. Rối loạn giấc ngủ là một rối loạn thuộc chuyên khoa tâm thần.

Tỉ lệ mắc rối loạn giấc ngủ khác nhau giữa các nước. Ước tính tỉ lệ rối loạn giấc ngủ trong dân số chung dao động từ 4 đến 26%.

Do đó, khi thấy mình có dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ ngoài thực hiện vệ sinh giấc ngủ và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (hạn chế dùng chất kích thích...) nên khám và tư vấn chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm và kịp thời. Không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc an thần, gây ngủ để tránh tình trạng lạm dụng hay nghiện thuốc.

  Hoa thiên lý là một vị thuốc trong Đông y có tác dụng an thần, làm cải thiện nhanh triệu chứng mất ngủ

Hoa thiên lý là một vị thuốc trong Đông y có tác dụng an thần, làm cải thiện nhanh triệu chứng mất ngủ

Một số thực phẩm giúp cải thiện nhanh triệu chứng mất ngủ

  • Hoa thiên lý

Trong Đông y, hoa thiên lý là một vị thuốc có tính bình, vị ngọt, có tác dụng lợi gan, thanh nhiệt, giải độc, an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng…

Để chữa mất ngủ có thể dùng hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Sắc lấy nước uống trong ngày, cần uống liền 3 - 5 ngày liên tục để có hiệu quả tốt nhất.

Hoặc cũng có thể dùng hoa thiên lý nấu canh với thịt nạc hoặc với cá diếc, ăn ngày một lần trong vài ngày liền sẽ có giấc ngủ ngon, giúp an thần.

Với những người bị mất ngủ thường xuyên, dùng hoa thiên lý nấu canh cùng lá vông nem, mỗi loại khoảng 30 - 50g, rửa sạch thái nhỏ nấu chung thành canh, nêm đủ mắm muối, bột nêm cần ăn trong 4 - 7 ngày.

  • Sen

Tất cả các bộ phận từ sen như củ, hạt, tim,…chứa hàm lượng lớn vitamin B6, có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, xua tan cơn đau đầu. Và nó giúp chống lại những trạng thái hồi hộp vốn làm giấc ngủ trở nên chập chờn.

Để chữa khó ngủ, tâm phiền, hồi hộp, lo âu có thể dùng tâm sen 8g, hạt muồng 20g sao khô, mạch môn 15g, hãm uống thay trà trong ngày.

  Yến mạch trị mất ngủ hiệu quả nhờ hàm lượng lớn carbohydrate và melatonin

Yến mạch trị mất ngủ hiệu quả nhờ hàm lượng lớn carbohydrate và melatonin

  • Yến mạch

Yến mạch là thực phẩm trị mất ngủ hiệu quả nhờ hàm lượng lớn carbohydrate và melatonin kích thích sản xuất serotonin một cách tự nhiên (chất dẫn truyền thần kinh) giúp bạn thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

Ngoài ra, vì yến mạch có tính chất chậm tiêu hóa nên sẽ giúp no lâu và sẽ không lo thức giấc giữa đêm vì bụng đói.

  • Trà hoa cúc

Trong Đông y, hoa cúc vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt, chữa suy nhược thần kinh... 

Chính vì vậy mà hoa cúc ngoài việc được dùng để chữa chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, mụn nhọt, đẹp da…, còn được dùng như một vị thuốc an thần nhẹ nhờ tác dụng làm dịu thần kinh, có lợi cho người thường xuyên mất ngủ.

Những thực phẩm, đồ uống dành cho người bị rối loạn giấc ngủ 3

Với những người hay bị đau đầu, mất ngủ nên uống trà hoa cúc khi vừa thức dậy, sau bữa ăn ít nhất 30 phút và trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút, uống lúc còn ấm nóng sẽ có tác dụng an thần và đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Xem thêm clip: 7 mẹo cho 1 giấc ngủ ngon

Bạn đang xem bài viết Những thực phẩm, đồ uống dành cho người bị rối loạn giấc ngủ tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An An