"Dị nhân" 18 năm ròng không đụng đến một hạt cơm hay một cọng rau xanh nào
Quách Đình Dương (18 tuổi, Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) được biết đến vì “thành tích” độc nhất vô nhị, suốt 17 năm của cuộc đời nhưng chưa từng ăn một hạt cơm hay một cọng rau xanh nào.
Cô Cao Thị Tình (43 tuổi) mẹ của Dương chia sẻ, “Từ nhỏ đến giờ, quanh năm suốt tháng thức ăn chính của em nó chỉ là mì tôm, bánh kẹo và hoa quả. Còn lại em không hề ăn cơm, rau xanh kể cả những món ăn được chế biến từ hạt gạo như cháo trắng, xôi, bánh chưng, bánh dậm…”.
Cũng theo lời cô Tình, việc Dương sợ ăn cơm, thậm chí là sợ nhìn thấy hạt cơm có lẽ bắt nguồn từ việc gia đình cô tập cho em ăn dặm bằng cháo ăn liền mua ngoài hàng. Tuy nhiên khi đổi qua cháo nấu bằng gạo trắng, Dương bắt đầu khóc thét lên và nhất quyết không ăn, ăn thìa nào là nôn trớ hết ra.
Suốt một thời gian dài sau đó, thức ăn chính của Dương vẫn là nguồn sữa mẹ và những gói cháo ăn liền pha sẵn.
Không chỉ sợ cơm mà từ nhỏ đến giờ, Dương cũng chưa ăn một cọng rau xanh nào bởi theo Dương, “Chỉ đơn giản nhìn những hạt cơm là em lại tưởng tượng ra cảnh sâu bọ đang bò nên rất sợ. Mỗi khi nhìn thấy chúng, em có cảm giác buồn nôn và nổi da gà nên nhất định sẽ không ăn. Không chỉ nhìn thấy, mùi của cơm và rau xanh cũng rất khó chịu."
Người phụ nữ gần 25 năm không ăn cơm vẫn sống khoẻ
Bà Dương Thị Thúy (50 tuổi, ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) 24 năm không ăn cơm, thịt, cá, đồ mặn, nhưng vẫn khỏe mạnh, lao động bình thường. Theo lời bà Thúy, lúc nhỏ bà vẫn ăn uống bình thường. Lớn lên bà lấy chồng, sinh con vẫn ăn uống cũng như mọi người. Đến năm 26 tuổi thì bỗng "chán" cơm, từ đó đến nay bà ăn cơm không được.
"Hàng ngày tôi vẫn ăn bắp, khoai. Ăn cơm vào là mệt, tay chân bủn rủn không làm được gì”, bà Thuý nói.
Điều lạ lùng hơn nữa là mấy năm gần đây con gái của bà Thúy là chị Nguyễn Thị Hường (28 tuổi, đang làm công nhân) cũng có biểu hiện sợ cơm giống mẹ, nhìn thấy cơm là không tài nào cho vào miệng được.
Sau một thời gian ăn cơm không được nên chị Hường cũng không đụng đến một hột cơm nào hay các đồ ăn khác mà bắt đầu ăn trái cây giống mẹ nhưng sức khỏe vẫn bình thường.
Nữ sinh mỗi khi nghe mùi cơm là bỏ đi nơi khác
Bà Nguyễn Thị Mộng Thúy (xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long)- mẹ của Hồ Thúy Vy kể lại, hồi mới tập ăn,Vy không chịu ăn cháo mà chỉ uống sữa. Mọi người cho rằng tại bà cho Vy bú quá no nên không ăn cơm nổi. Bà thử không cho bú, Vy vẫn không chịu ăn, ép là Vy ngậm chặt miệng không chịu ăn.
Do không ăn được cơm từ nhỏ, lớn lên mỗi khi nghe mùi cơm Vy bỏ đi nơi khác. Thấy con không ăn được cơm nên bà Thúy đã cho em ăn mì gói và uống sữa lót dạ. Điều lạ hơn nữa, không chỉ không ăn được cơm, Vy còn không ăn được cả thịt và cá kho hay luộc, em chỉ ăn được thịt cá nướng hoặc chiên.
Hàng ngày Vy chỉ ăn mì gói. Rau thì chỉ ăn rau muống, còn trái cây thì không ăn được trái chuối. Dù vậy, cơ thể Vy vẫn phát triển bình thường, không ốm yếu.
Lúc 15 tuổi, Vy được 43kg với chiều cao 1,58m. Dù ăn uống không đủ chất nhưng Vy luôn là học sinh giỏi của trường.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp "hy hữu" không bao giờ ăn cơm. Chẳng hạn như trường hợp của bà Võ Thị Huệ Thu (ngụ Tiền Giang) suốt 10 năm liền không ăn cơm và thức ăn mà thay vào đó là trái cây, nước lã, nước dừa, chủ yếu là chuối, đọt lang luộc, rau sống. Tuy không ăn cơm nhưng bà Thu vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đảm đang việc nhà.
Tại thôn Cửa Hà 1, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy - Thanh Hóa cũng đã ghi nhận trường hợp chị Nguyễn Thị Tuyến bỗng nhiên chán cơm, không ăn được nên trọng lượng cơ thể giảm xuống nhanh chóng. Gia đình mua thử hoa quả về cho ăn thay cơm thì thấy Tuyến ăn no được và không bị nôn nên mùa nào có quả gì nhiều thì dùng để làm đồ ăn thay cơm. Gia đình đưa chị đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vẫn không rõ nguyên nhân.
Mai ChiBạn đang xem bài viết Những 'dị nhân' không bao giờ ăn cơm mà vẫn sống khỏe tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].