Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ung thư thực quản là một trong những căn bệnh ung thư thường gặp ở đường tiêu hóa, khi khối u ác tính xuất hiện từ các tế bào biểu mô của thực quản.
Có một số dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm này cần phải kể đến là:
- Nuốt nghẹn: Là dấu hiệu ung thư thực quản thường gặp nhất. Lúc đầu người bệnh cảm thấy nuốt nghẹn mơ hồ, vướng sau xương ức khi ăn thức ăn đặc, một thời gian sau cảm giác rõ uống nước cũng nghẹn.
- Trớ: Thức ăn đọng lại trong lòng thực quản khi người bệnh ngủ trớ ngược ra ngoài. Hiện tượng này là nguyên nhân của viêm phế quản dai dẳng do dịch từ thực quản chảy vào đường thở.
- Nước bọt tiết nhiều mà không rõ cơ chế.
- Các biểu hiện khác như: Khàn tiếng hoặc ho kéo dài, gầy sút không rõ nguyên nhân, da sạm và khô, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ dễ nhận thấy.
Với những biểu hiện bệnh khác nhau trong từng giai đoạn, ung thư thực quản rất khó phát hiện trong những giai đoạn đầu, thường đến khi bệnh đã tiến triển người bệnh mới có thể phát hiện và điều trị.
Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Hẹp thực quản gây nuốt nghẹn, buồn nôn, sụt cân; Loét khối u gây chảy xuất huyết tiêu hóa. Bệnh có thể làm sói mòn thực quản và tạo ra lỗ rò vào khí quản, gây ra ho sặc khi nuốt; Xâm lấn vào ống ngực, tĩnh mạch chủ gây phù nề ngực và đầu, mặt, cổ.
Phẫu thuật là biện pháp chủ yếu để điều trị ung thư thực quản. Thông qua phương pháp phẫu thuật, khối u sẽ được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kệ cận và các tổ chức khác trong vùng.
Biện pháp xạ trị thông qua nguồn tia có năng lượng cao và biện pháp hóa xạ trị sử dụng các hóa chất kháng u để tiêu diệt tế bào ung thư.
Ngoài ra, thông qua một số thuốc được hấp thụ và hoạt hóa hồng ngoại chủ yếu bởi tế bào ung thư để điều trị bệnh bằng phương pháp điều trị quang độc học. Liệu pháp miễn dịch tự thân là giải pháp đột phá trong điều trị ung thư, bao gồm ung thư thực quản.
Để không bị mắc bệnh ung thư thực quản, TS.BS Dương Trọng Hiền khuyến cáo người dân nên hạn chế tối đa việc lạm dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu, thuốc lá, có chế độ sinh hoạt khoa học, bổ sung đầy đủ vitamin, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Với những người bệnh có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ… cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết Những dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản không nên bỏ qua tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].