PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khỏe, phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này, dinh dưỡng là yếu tố môi trường quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người.
Các nhà khoa học đã xác định, 1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian vàng này càng đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.
Giai đoạn này, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng của trẻ và bà mẹ có liên hệ mật thiết nhất. Dinh dưỡng tốt khi mang thai không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, cho thai nhi, mà còn liên quan đến khả năng nuôi trẻ bằng sữa mẹ sau sinh và sức khỏe của trẻ sau này.
Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành của trẻ. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành.
Người đứng đầu Viện Dinh dưỡng Quóc gia cho rằng, thiếu hoặc thừa dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ và dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời của trẻ làm cho sự phát triển về thể chất, xã hội, tình cảm và nhận thức của đứa trẻ trở lên xáo trộn dẫn tới mất đi các cơ hội mà mỗi trẻ sinh ra có quyền được hưởng.
Việc đầu tư dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong các cách thức hiệu quả, chi phí thấp nhằm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em và giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong của bà mẹ theo mục tiêu phát triển bền vững, là giải pháp hiệu quả trong giảm suy dinh dưỡng thấp còi.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời không những bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ; giảm sự chênh lệch giữa các vùng về sức khỏe, giáo dục và tiềm năng thu nhập; giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính…
PGS.TS Trần Thanh Dương đánh giá, dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người, bởi sức khỏe và tuổi thọ của mỗi con người đều lệ thuộc vào việc hàng ngày chúng ta ăn gì, uống gì.
Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam còn phải đối mặt với các gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là vừa thiếu, vừa thừa dinh dưỡng.
Tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và người lớn tại các thành phố, thị trấn. Trong khi đó, năm 2023 cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu acidfolic… cũng không kém nghiêm trọng. Đặc biệt là thiếu kẽm trẻ dưới 5 tuổi là 58,0% và rất cao ở khu vực miền núi với tỷ lệ 70,1%. Tiếp đến là tình trạng thiếu máu, ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi tỷ lệ rất cao 32,1% đặc biệt vùng miền núi là 45,3%.
PGS.TS Trần Thanh Dương phân tích, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi lẫn béo phì đều liên quan rất lớn đến từ việc quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đối với trẻ chưa đầy đủ.
Đặc biệt là thiếu sót về kiến thức nuôi dưỡng trẻ, chế biến thức ăn cho trẻ như trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít bữa trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh…
Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn, đồng thời tăng khả năng đề kháng với bệnh tật và các vấn đề sức khỏe.
Một trong nhưng nguyên nhân của vấn đề là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi.
Đây là lứa tuổi trẻ tập làm quen với thức ăn gia đình, chuyển tiếp từ bú mẹ sang ăn cứng, khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, dễ tiếp cận với các nguồn gây bệnh, các chức năng sinh lý, giải phẫu và tâm lý còn chưa hoàn chỉnh. Do đó các vấn đề dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi này.
Những trẻ này có chế độ ăn kém chất lượng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Có đến 1/3 số trẻ này không được tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc động vật hàng ngày trong khi 22% không tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A và 14% không tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt hàng ngày.
(Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và UNICEF)