Báo Điện tử Gia đình Mới

Khát vọng hoàn hảo của trái tim từng được 'sửa chữa' trong ngực cô gái trẻ

6 năm sau cuộc phẫu thuật tim theo chương trình ‘Trái tim cho em’, cô bé 12 tuổi yếu ớt ngày nào đã thi đỗ đại học với điểm số 21,5, trở thành cô sinh viên năm nhất khoẻ mạnh.

TTCE_126

 Bằng nghị lực của mình, cô gái bị tim bẩm sinh Hoài Thương đã thực hiện được ước mơ đỗ đại học. 

Sau tấm rèm ngăn cách không gian tiếp khách với căn buồng, Vũ Thị Hoài Thương (sinh năm 1999) đang ngồi luyện đọc một đoạn văn tiếng Anh.

Giọng đọc của cô gái đạt môn Tiếng Anh như làm bừng sáng cả không gian tĩnh lặng của vùng đất đỏ bazan. Đây là môn học Thương thích nhất khi còn học phổ thông.

Con số 21,5 tổng điểm 3 môn toán, văn, tiếng Anh cùng tờ giấy gọi nhập học của hai trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và trường Đại học Tây Nguyên là thành quả xứng đáng sau 12 năm Thương miệt mài học tập và bấy nhiêu năm em chống chọi với bệnh tim bẩm sinh.

Ngay từ khi sinh ra, Hoài Thương đã bị khó thở và thường xuyên rơi vào tình trạng tím tái toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán Thương bị thông liên thất.

Mẹ của em, cô Thanh dẫn em đi hầu hết tất cả các bệnh viện có tiếng: bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đều lủi thủi ra về khi bệnh tình của Thương không có chút thuyên giảm mà gia đình cũng không có tiền chữa trị cho em.

Khi đó, khoản tiền mấy chục triệu đồng để có thể sửa tim cho Thương là con số khổng lồ với một gia đình 5 khẩu thuần nông.

Sau khi gửi hồ sơ khoảng 1 tháng tới chương trình ‘Trái tim cho em’, may mắn đã gọi tên Hoài Thương. Cô Thanh nhớ lại, lúc đó không gì vui bằng, thấy gia đình mình thật may mắn. Mọi niềm hy vọng lại được thắp sáng từ chính lúc tuyệt vọng nhất.

TTCE_122

Hoài Thương nhớ lại quãng thời gian em bị bệnh.  

Vậy là, Hoài Thương được chương trình ‘Trái tim cho em’ hỗ trợ toàn bộ chi phí cuộc phẫu thuật tim ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trị giá 50 triệu đồng.

Sau cuộc phẫu thuật thành công đó và thêm 1 tuần nằm viện, Thương trở về nhà với một trái tim đang bình phục. Dần dần, cùng sự chăm sóc của mẹ, những người thân yêu trong gia đình, sức khoẻ Thương ổn định và tinh thần cũng tốt lên. 

Có sức khoẻ, Thương chịu khó học hành với quyết tâm thi đỗ đại học. Với em, chỉ có đường học mới có thể đỡ đần mẹ, giúp bản thân em và gia đình có một tương lai tươi sáng hơn.

Thương thích học tiếng Anh, nhưng từ quê nhà Đăk Nông ra Đà Nẵng học tập là một bài toán kinh tế gần như không có lời giải với gia đình em, từ việc đi lại đến chi phí ăn ở đắt đỏ tại nơi đây.

Trước hoàn cảnh khó khăn, Thương chọn học khoa Giáo dục Tiểu học tiếng Jrai của đại học Tây Nguyên, nơi cách nhà em khoảng 40 cây số.

TTCE_132

Cuối tuần là thời gian Thương thích nhất vì em được về nhà, vui đùa thoả thích.  

Hoài Thương đỗ đại học, trong gia đình ai cũng phấn khởi. Nhưng kèm theo sự vui mừng đó là nỗi lo của người mẹ, người chị, làm thế nào để có tiền cho em đi học, khi mà tiền đóng trọ hằng tháng mẹ em nói ‘chạy không nổi’.

Công việc phụ hồ ngày làm ngày nghỉ với mức thu nhập bấp bênh của mẹ và mức lương làng nhàng của chị gái đang làm tại phòng khám không cho phép Thương chi tiêu thoải mái.

Trong căn phòng trọ thuê 600.000 đồng/tháng ở gần trường, Thương tập làm quen với cuộc sống xa nhà của một sinh viên năm nhất. Cô gái phải tự mình xoay xở lo liệu mọi thứ với tiền mẹ cho chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng, cả tiền thuê trọ.

Tính ra, mỗi tuần Thương chỉ tiêu 50.000 đồng. Mỗi lần lên trường học, Thương lại xách chút đồ ăn đủ cho mấy ngày đầu tuần và vài cân gạo tới nơi đất khách quê người.

TTCE_131

Thương mang gạo mẹ cho lên trường học để tiết kiệm tiền.  

Tuần nào chị Nhàn (chị gái của Thương) không bận gì thì chiều thứ 6, chị đi xe lên thành phố Buôn Ma Thuột để đón em về và đưa em lên trường vào chiều chủ nhật.

Thương tâm sự, nhà ít người, bố lại rượu chè suốt ngày nên em muốn về nhà phụ giúp mẹ và chị gái. Mẹ và chị gái Thương chỉ để em làm những việc nhẹ nhàng như quét cái nhà cái cửa, nấu cơm, rửa bát chứ không để em làm việc nặng bao giờ cả.

Vần bao lúa lên xe để mang đi xay, chị Nhàn tâm sự, nhà có mấy chị em gái, Thương hay tâm sự với chị nhất, có chuyện gì cũng kể với chị, em thương mẹ và chị lắm.

Giờ thương đi học xa nhà, ở trọ một mình nên chị cũng lo lắng, không biết hằng ngày khi không có mẹ và chị gái ở bên, em ăn uống ra sao.

Hồi mới đi học đại học, chị Nhàn phải lên ở cùng Thương vài ngày để em khỏi bỡ ngỡ và mạnh dạn hoà nhập với môi trường mới.

TTCE_128

 Hoài Thương tự hứa với lòng sẽ quyết tâm học hành để có một tương lai tươi sáng. 

Sau 1 tháng nhập học, những cuốn sách giáo khoa cấp 3 vẫn còn đầy ắp trên giá sách bàn học đặt ở đầu giường.

Nơi đó bây giờ thuộc quyền sở hữu của em Thương đang học lớp 11, thay vì như trước đây, hai chị em phải ngồi học bài chung trên bàn chật chội.

Từ cô bé 12 tuổi, nặng 28 cân, Thương của thời điểm hiện tại mang vẻ đẹp rắn rỏi, đúng chất một cô gái Tây Nguyên.

Một trái tim khoẻ mạnh đã giúp Hoài Thương thực hiện được ước mơ đỗ đại học của mình. Trái tim em cũng sẽ biết run rẩy, đập cùng nhịp với tiếng lòng của mình, theo những rung động đầu tiên của một thiếu nữ.

Trong hành trình phía trước, Hoài Thương tiếp tục nuôi dưỡng những khát khao cuộc đời mình.

Tú Anh - Trọng Tùng /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO