Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, lạm dụng gừng, sử dụng gừng sai cách có thể gây hại cho sức khoẻ.
Dân gian có câu “buổi sáng ăn gừng, hơn uống nước sâm, buổi tối ăn gừng, chẳng khác nào ăn thạch tín”. Câu nói này cũng đủ để nói lên tác hại của việc ăn gừng sai cách.
Trong Đông y, gừng có vị cay tính ấm, có thể sử dụng để chữa nhiều bệnh như giải cảm hàn, đầy hơi, trướng bụng, tăng cường tuần hoàn huyết dịch bằng cách xoa bóp với rượu gừng hoặc ngâm chân nước gừng nóng...
Chính vì gừng có tính ấm, nóng nên ăn buổi sáng giúp hỗ trợ tiêu hóa, trái lại ăn ban đêm sẽ ảnh hưởng giấc ngủ, tổn hại đường tiêu hóa.
Do đó, để không biến tốt thành hại, lương y Nguyễn Thanh Thúy khuyến cáo một số lưu ý dưới đây khi ăn gừng.
Chỉ nên ăn gừng vào buổi sáng và trưa: Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng sẽ giúp dương khí bốc lên, thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa. Vào buổi tối âm khí thịnh phát, dương khí co lại, ăn gừng lúc này sẽ vi phạm quy luật sinh lý, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự trao đổi chất trong cơ thể.
Bị bệnh về gan, sỏi mật không nên ăn gừng: Nguyên nhân là do gừng có vị cay nóng, kích thích sự bài tiết của các tế bào gan. Khi mắc các chứng bệnh về gan, nếu ăn hoặc uống nước từ gừng sẽ khiến cho các tế bào gan bị hoại tử. Bên cạnh đó, tính cay nóng của gừng cũng sẽ làm cho các viên sỏi bị mắc kẹt trong túi mật, uống thuốc không thể tiêu hoặc đẩy sỏi ra ngoài được.
Không ăn nhiều gừng: Mặc dù gừng rất tốt nhưng nó thuộc tính nhiệt nên ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
Không nên ăn gừng khi đang mang thai hoặc cho con bú: Trong thời gian đầu của thời kỳ mang thai gừng có thể làm giảm các triệu chứng buồn nôn, tiết nước bọt, nhưng đến nửa cuối của thai kỳ nên hạn chế dùng gừng vì nó có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ. Khi đang cho con bú mẹ bỉm sữa cũng không nên ăn gừng vì gừng có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.
Sốt cao không ăn gừng: Uống nước gừng có thể giảm bớt tình trạng cảm lạnh, nhưng nếu sốt cao mà cho uống nước gừng sẽ gây ra họa. Nguyên nhân là do gừng có tính nhiệt, sẽ khiến thân nhiệt của người bệnh cao lên, gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Người bị tăng huyết áp, thân nhiệt cao: Người có huyết áp cao thì không thể uống nước gừng trong bất cứ lý do gì, đặc biệt là uống nước gừng vào đúng thời điểm đang lên cơn huyết áp cao sẽ dễ xảy ra tai biến. Với những người có thân nhiệt cao, nếu uống nước gừng hoặc ăn thức ăn có gia vị gừng sẽ làm cho thân nhiệt tăng cao hơn.
Không ăn gừng bị dập: Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh là safrol. Chất này có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan. Vậy nên khi thấy gừng bị dập nên bỏ đi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Người bị đau dạ dày: Người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng không nên ăn gừng vì trong thành phần của gừng có những chất chủ yếu hoạt động trên các niêm mạc dạ dày. Nếu ăn gừng sẽ làm các niêm mạc bị kích thích, bào mòn và gây ra những vết loét.
Khi bị say nắng, sốt cao: Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa... Chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt.
Ngoài ra, những người thường xuyên mất ngủ, khô cổ họng, táo bón, bị áp xe phổi, bệnh lao, đang mọc mụn, bị bệnh trĩ… đều không nên ăn gừng.