Quả lê còn có tên là khoái quả, ngọc nhũ, mật văn... Trong Đông y, lê có tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc.
Trong một số tài liệu y học cổ truyền có ghi lại, lê để sống có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, tốt cho lục phủ và nếu nấu chín thì bổ âm cho ngũ tạng; hoặc lê để sống giảm ho tiêu đờm, lê nấu chín dưỡng âm bổ dịch.
Còn xét về mặt dinh dưỡng, quả lê là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cứ 100g lê có 86,5g nước, 0,1g chất béo, 0,2g protein, 11g carbohydrat, 1,6g xơ, 14mg canxi, 13mg phospho, 0,5mg sắt, 0,2mg vitamin PP, các vitamin nhóm P, C, betacaroten, 1mg axit folic…
Đặc biệt, quả lê được biết đến là vị thuốc chữa ho hiệu quả cho trẻ. Trong những ngày thay đổi thời tiết như hiện nay, có thể cho trẻ ăn các món ăn bài thuốc từ quả lê giúp trẻ hết ho, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp.
Lê chưng đường phèn
Dùng một quả lê và một chút đường phèn. Đem lê rửa sạch và cắt ngang ¼ quả lê ở phần cuống để riêng, dùng dao khoét sạch phần lõi lê ở ¾ còn lại và nhồi đường phèn vào phần lõi với một lượng vừa đủ.
Dùng ¼ quả lê đã cắt trước đó làm nắp đậy kín quả lê. Sau đó cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 20 phút cho lê chín mềm là ăn được.
Mỗi ngày cho trẻ ăn cả nước và cái 1 quả lê chưng đường phèn, có thể ăn vào buổi sáng hoặc tối tùy thời gian rảnh nấu cho bé. Món ăn này không chỉ tốt cho trẻ bị ho mà còn tốt cho người lớn bị viêm cuống phổi mạn tính.
Lê hấp gừng, đường
Nguyên liệu gồm 1 quả lê, 1 miếng gừng tươi nhỏ, 1 ít đường phèn.
Cách làm món lê hấp gừng đường phèn rất đơn giản. Lê đem gọt vỏ và cắt thành những miếng vừa ăn, gừng bỏ vỏ và thái sợi.
Cho lê thái miếng, gừng thái sợi và một chút đường phèn (tùy khẩu vị ngọt của mỗi người mà cho nhiều đường hay ít) vào một cái bát.
Đem bát lê gừng đường phèn hấp cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút cho đường phèn tan hết, lê chín mềm là được.
Món lê hấp gừng đường phèn có vị ngọt thanh hòa vị hơi cay, thơm thơm của gừng. Cho trẻ ăn cả nước và cái món lê hấp gừng đường phèn liên tục 3 – 5 ngày sẽ đem lại hiệu quả trị ho tốt nhất, phòng ngừa bệnh đường hô hấp khi thay đổi thời tiết.
Lê chưng đường phèn, táo đỏ và câu kỷ tử
Chuẩn bị 1 quả lê, 60g đường phèn, 5g kỷ tử, 3 – 5 quả táo đỏ, 3 – 5 quả nhãn tươi. Câu kỷ tử và táo đỏ rửa sạch. Nhãn đem bóc vỏ và bỏ hạt và lấy phần cùi nhãn.
Quả lê rửa sạch, gọt bỏ vỏ và cắt phần cuống khoảng 1/4 hoặc 1/5 tổng chiều cao quả lê. Sau đó dùng dao hoặc thìa loại bỏ phần lõi lê
Cho đường phèn, câu kỷ tử, nhãn và táo đỏ vào bên trong quả lê, thêm một ít nước lọc vào và dùng ¼ phần cuống đã cắt lúc trước đậy kín lại.
Tiếp tục đặt quả lê vào một cái bát, cho vào nồi nước sao cho nước không ngập vào bát lê và tiến hành hấp cách thủy.
Tiến hành hấp cách thủy khoảng 30 phút, thấy các nguyên liệu chín mềm thì tắt bếp, chờ lê nguội thì cho trẻ ăn.
Thường xuyên cho trẻ ăn lê chưng đường phèn và táo đỏ giúp giảm ho đáng kể ở trẻ. Đặc biệt món ăn này lại có vị ngọt mát, thơm ngon nên trẻ rất thích ăn, không chỉ giúp giải khát mà còn giúp bồi bổ, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ và người lớn rất tốt.
Mặc dù các món ăn bài thuốc từ quả lê giúp giảm nhanh triệu chứng ho, sưng đau họng và xua tan cảm giác mệt mỏi của cơ thể, nhưng khi sử dụng các bài thuốc này để trị bệnh, nên lưu ý một số điều sau:
- Trong quả lê có chứa nhiều đường glucose và fructose. Do đó, người bị đái tháo đường không nên sử dụng thường xuyên.
- Quả lê có tính hàn nên người bị rối loạn kích thích hoặc tiêu chảy, đau bụng không nên dùng.
- Bệnh nhân bị chảy nước mũi, dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với lê không nên sử dụng để điều trị ho.
- Chọn quả lê tươi mới, tuyệt đối không ăn lê dập nát để tránh mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa.
- Lê chưng đường phèn giúp bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị ho cho trẻ, nhưng chỉ nên dùng khi trẻ mới chớm ho, trong trường hợp ho của bé kéo dài nhiều tuần liên tiếp và không có triệu chứng thuyên giảm thì cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.