Tía tô
Rau tía tô là loại gia vị phổ biến, có thể ăn sống hoặc dùng nấu canh. Trong Đông y, rau tía tô là vị thuốc tốt, có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, hỗ trợ tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo.
Đặc biệt, món cháo tía tô giải cảm giúp giải cảm cực tốt, thích hợp dùng cho những người bị cảm cúm, cảm lạnh.
Cách làm món cháo tía tô rất đơn giản, tía tô rửa sạch, để ráo nước và thái nhỏ. Nấu cháo trắng chín mềm, nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành tím thái mỏng để thêm tác dụng giải cảm.
Nếu ăn thêm trứng gà thì đập trứng gà vào khi cháo còn nóng, khuấy đều cho trứng tan ra và chín đều. Cuối cùng cho tía tô vào, nêm lại gia vị, tắt bếp là được. Món cháo tía tô nên ăn ngay lúc nóng để mang lại hiệu quả giải cảm tốt nhất.
Bên cạnh việc dùng tía tô để nấu cháo, người bị cảm lạnh, cảm cúm cũng có thể dùng lá tía tô nấu trà uống hàng ngày để giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho, mệt mỏi…
Trà gừng tươi
Gừng là siêu thực phẩm dành cho những người bị ho, cảm cúm. Gừng có khả năng giảm ho và chống tắc nghẽn đường hô hấp tốt. Gừng còn có công dụng kháng virus giúp diệt virus gây bệnh.
Để giải cảm trong mùa đông có thể dùng gừng tươi 30 - 40g thái thật mỏng, cho nước sôi vào hãm, thêm ít mật ong uống ngày vài lần. Uống trà gừng tươi mùa đông có tác dụng giải phong hàn, làm ra mồ hôi, ấm tỳ vị, tiêu đờm cầm nôn.
Tỏi
Tỏi không chỉ là gia vị trong nhà bếp mà còn là một vị thuốc tốt cho sức khỏe. Bởi tỏi có tác dụng tăng cường sức để kháng, diệt khuẩn và phòng chống cảm cúm.
Đặc biệt, tỏi có đặc tính kháng khuẩn và chứa vitamin C, selenium cùng các khoáng chất khác có tác dụng đặc trị cảm cúm, cảm lạnh, giúp long đờm hiệu quả.
Người bị cảm lạnh, cảm cúm có thể nghiền nhỏ 2 nhánh tỏi, pha với nước và uống hàng ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm. Hoặc cũng có thể ăn tỏi thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm.
Đặc biệt, với phụ nữ có thai, khi chẳng may bị cảm lạnh, cảm cúm thì việc uống nước tỏi pha với nước ấm, ăn tỏi và dùng nước tỏi pha nước ấm nhỏ vào mũi cũng đem lại hiệu quả điều trị cảm cúm, cảm lạnh tích cực.
Bên cạnh việc dùng các loại thực phẩm rẻ tiền trong nhà bếp để giải cảm mùa đông, người bệnh cũng có thể thực hiện một số cách sau để tránh những biến chứng viêm phổi, viêm phế quản…
Uống nước ấm nóng
Uống nước nóng là phương pháp đơn giản nhưng lại có nhiều công dụng đối với việc trị cảm lạnh như làm tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Khi uống nước nóng người bệnh cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong và chanh vào cốc nước nóng để làm tăng hiệu quả trị bệnh.
Dùng tinh dầu
Các loại tinh dầu như tinh dầu tràm, bạc hà hay long não,... có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm lạnh thông thường. Chỉ cần thoa một chút tinh dầu vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi.
Hoặc cũng có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cảm lạnh rất hiệu quả.
Chườm nóng
Với những người bị ngạt mũi, sổ mũi thì sử dụng chườm nóng xung quanh vùng xoang tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu ở vùng mũi.
Chườm khăn nóng có thể làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn, làm giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
Khi bị cảm lạnh, một loạt các triệu chứng kèm theo sẽ khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý khi bị cảm sẽ giúp cơ thể chóng phục hồi, tăng cường sức đề kháng.
Hơn nữa, trong những ngày đông lạnh thì nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có sự chênh lệch rất lớn, bởi vậy, khi bị cảm lạnh nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời thì nên đeo khẩu trang và mặc quần áo ấm tránh gió lùa.