PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, quan niệm kiêng ăn tôm, kiêng ăn thịt gà khi bị ho là kinh nghiệm truyền miệng từ xa xưa của các cụ để lại và hiện vẫn đang được một số người áp dụng.
Theo quan niệm này thì khi ăn tôm cả vỏ, ăn thịt gà sẽ gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp và gây ho. Nhất là khi bị ho mà ăn những con tôm đồng nhỏ, phần râu tôm cứng còn sót lại sẽ chọc vào vùng họng gây ngứa, rát và dẫn đến ho.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiêng ăn tôm, kiêng ăn thịt gà khi bị ho là không đúng và không có cơ sở khoa học.
Trừ những trường hợp người có cơ địa dị ứng với tôm, thịt gà thì cần kiêng để tránh làm tình trạng dị ứng tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc có trường hợp tôm được chế biến không kỹ còn sót lại phần râu tôm, vỏ cứng sẽ chọc vào vùng họng gây ngứa, rát và dẫn đến ho.
Xét về mặt dinh dưỡng, thịt gà và tôm là những thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Nhất là thịt gà, đây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều đạm, sắt, kẽm… lại dễ tiêu hóa.
Chính vì vậy mà những người bị ốm, mệt mỏi, mới ốm dậy thường được khuyên ăn các món chế biến từ thịt gà như gà hầm, canh gà, gà tần… để bồi bổ sức khỏe.
Còn tôm được biết đến là thực phẩm giàu đạm, kẽm và canxi, rất thích hợp cho trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương…
Trong thịt gà và tôm không có chất gì gây ho, vậy nên, việc khiêng ăn tôm, kiêng ăn thịt gà khi bị ho là hoàn toàn sai lầm, làm như vậy trẻ sẽ thiếu vi chất.
Hơn nữa, “khi bị ho, trẻ đã khó chịu, mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, nếu phải ăn kiêng khem đủ thứ trẻ sẽ thiếu chất, cơ thể sẽ mệt mỏi hơn, làm như vậy trẻ không những không giảm bệnh mà còn dẫn đến sức khỏe suy giảm, bệnh kéo dài dai dẳng hơn” – Bác sĩ Dũng cho hay.
Cha mẹ có con nhỏ cần hiểu rõ, cơ chế gây ho ngoài các yếu tố môi trường, do nhiễm khuẩn, virus, vi khuẩn còn có yếu tố thần kinh, thay đổi cảm xúc là lên cơn ho.
Đặc biệt ở nước ta, hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết hanh khô, không khí ô nhiêm cũng là yếu tố thuận lợi khiến cho những người nhạy cảm về đường hô hấp dễ mắc ho nhiều hơn, nhất là với trẻ nhỏ, người già, những đối tượng có sức đề kháng kém.
Thay vì bắt con kiêng khem đủ thứ, cha mẹ nên hình thành cho con thói quen ăn uống khoa học, đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ có thể phòng ngừa được các bệnh đường hô hấp lúc giao mùa.
Khi trẻ chẳng may bị ho, cha mẹ cần chú ý cách chế biến đồ ăn cho con ở dạng ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt. Bởi khi trẻ bị ho, những thực phẩm cứng sẽ gây khó nuốt, dễ dẫn đến nôn trớ. Với tôm và thịt gà, cha mẹ nên bóc vỏ và gỡ xương rồi nấu cháo, súp cho con để giúp trẻ dễ ăn hơn và tăng cường dinh dưỡng sẽ làm trẻ sớm khỏi bệnh.