Số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính vào viện tăng lên
Thông tin với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Trong thời gian gần đây, khi theo quan trắc môi trường đánh giá thì không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đối với bệnh viện Phổi Trung ương, số lượng bệnh nhân nhập viện không tăng đột biến nhưng số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính vào viện đông hơn các bệnh lý khác.
Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh mối liên hệ giữa 2 vấn đề này nhưng việc không khí Hà Nội bị ô nghiễm nghiêm trọng có ảnh hưởng tới sức khỏe của những người mắc bệnh hô hấp mãn tính, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.
Ví dụ như bệnh nhân mắc bệnh hen thì khi hít phải không khí bị ô nhiễm thì rất dễ lên cơn hen, những người mắc bệnh mãn tính, người già và trẻ em nhạy cảm, sẽ dễ bị dễ gây kích ứng đường thở, gây các bệnh phản ứng nhẹ thì hắt hơi sổ mũi, nặng thì bị viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp.
Bởi trong không khí bị ô nhiễm có thể có chất độc như khí thải, khói bụi, vi khuẩn lẫn trong không khí. Đó là các yếu tố mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.
Chưa kể, có những hạt bụi nhỏ, bụi nano xâm nhập vào máu sẽ gây độc cho cơ thể, gây ra nhiều rối loạn khác cho cơ thể mà chúng ta không lường trước được.
Dấu hiệu nhận biết sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng cho biết, khi cơ thể bị chất độc, bụi đi vào cơ thể, sẽ có những biểu hiện bất thường, đó là những dấu hiệu nhận biết cơ thể bị ảnh hưởng ô nhiễm không khí.
Khi có các dấu hiệu sau, cần đến cơ sở y tế để khám:
- Đối với trẻ nhỏ: Thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi kéo dài, ho...
- Đối với người có bệnh lý về hô hấp, người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực.
- Đối với người bình thường: Có những biểu hiện bất thường như đau mỏi, mệt mỏi, ăn uống kém, hắt hơi, sổ mũi thì nên tới cơ sở y tế gần nhất để khám.
Bác sĩ Hồng cũng nhấn mạnh, để bảo vệ sức khỏe trước những tác hại của ô nhiễm không khí, mỗi người đều phải tự trang bị cho mình sự hiểu biết về ô nhiễm không khí (mức độ nào là nguy hiểm, nguyên nhân do đâu, mức độ ô nhiễm tại khu vực mình sống, làm việc...), hiểu biết về các loại bụi (bụi vô cơ, bụi hữu cơ, bụi vi sinh vật)...
Người dân hạn chế ra ngoài trong những thời điểm ô nhiễm nặng, hoặc nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang đúng chuẩn, phòng chống được bụi mịn, mặc quần áo dài tay, đeo kính... Khi về tới nhà cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Bệnh nhân mắc hô hấp vào viện tăng, bác sĩ chỉ cách nhận biết bị tác động của ô nhiễm tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].