Những giấc mơ được viết tiếp
Buổi ra mắt dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra hôm 20/09/2017 tại Hà Nội, nhạc sỹ Thiếu Hoa đã hết sức xúc động.
Ông nói rất nhiều về cái sự khó của người nghệ sỹ nhạc cổ điển: 'Để mưu sinh bằng nhạc giao hưởng quả thực quá khó. Không đủ để nuôi bản thân chứ chưa nói tới nhu cầu của gia đình. Chính vì thế nên rất nhiều nghệ sĩ đã phải chuyển nghề…'.
Ông nhắc tới những người như Vũ Anh Tuấn, người đã bỏ giao hưởng sau 17 năm theo đuổi để… làm MC của đài truyền hình Việt Nam, với một sự thông cảm sâu sắc: 'Chắc chắn phải khổ tâm lắm anh Tuấn mới quyết định bỏ nghề'.
Nhưng giờ đây, chứng kiến Anh Tuấn trong vai trò mới: Giám đốc điều hành của một dàn nhạc lớn Sun Symphony Orchestra, được bảo trợ bởi một doanh nghiệp có tên tuổi là Sun Group, ông không giấu nổi sự vui mừng.
Mừng không chỉ cho Anh Tuấn mà cho cả một thế hệ nghệ sỹ nhạc cổ điển. Ông nói: 'Tôi hy vọng các nghệ sĩ giao hưởng cổ điển khác cũng sẽ được vẽ tiếp giấc mơ như anh Tuấn. Chúng ta có quyền kỳ vọng Sun Symphony Orchestra sẽ có tương lai rất sáng lạn, làm nên những điều kỳ diệu'.
Buổi ra mắt đó, có nhiều người cũng xúc động như thế. Giám đốc điều hành của dàn nhạc SSO- anh Vũ Anh Tuấn đã nghẹn ngào nói với cha mình – Giáo sư Vũ Hướng: 'Con xin phép bố, con đã được quay lại với nghề. Con hi vọng bố sẽ tự hào về con'.
Câu nói ấy anh đã cất sâu trong tâm khảm, sau hơn 20 năm 'đi bên lề' âm nhạc, để có ngày được thay lời 'tạ lỗi' với cha.
Vũ Anh Tuấn theo học piano từ năm 4 tuổi, anh trải qua 17 năm học cello trước khi quyết định dừng bước với âm nhạc cổ điển để lựa chọn một con đường khác phát triển sự nghiệp.
SSO đã kéo Anh Tuấn trở lại với nghề. Quyết định sẽ đi đến cùng với đam mê của anh được kích thích bởi những con người thực sự tâm huyết với giao hưởng, đó chính là Sun Group, là những người sáng lập SSO đã 'dũng cảm' bảo trợ cho dàn nhạc, là những triển vọng mà SSO có thể mang tới cho nghệ sỹ nhạc cổ điển như cơ hội bước ra thế giới, nguồn thu nhập đủ để nuôi đam mê làm nghề…
Chính anh cũng thừa nhận: 'Quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công của dàn nhạc là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí không dám mơ đến'.
Đưa văn hóa Việt vào âm nhạc giao hưởng
Hẳn cộng đồng người yêu nhạc cổ điển tại Hà Nội còn chưa quên buổi công diễn hoành tráng của Dàn nhạc giao hưởng London - một trong những dàn giao hưởng lâu đời nhất thế giới tại Việt Nam đầu tháng 3 vừa qua. Khu vực Hồ Gươm trước tượng đài Lý Thái Tổ chật kín khán giả.
Khắp mọi nẻo đường, người người kéo nhau về chờ tới giờ dàn nhạc biểu diễn. Nhớ lại sự kiện, anh Nguyễn Trung Hiếu (Lạc Long Quân, Q. Tây Hồ) chia sẻ: 'Cuối chương trình, bố con anh đã phải cố nán lại bên rào bảo vệ thật lâu, chỉ vì con trai tôi muốn được gặp và bắt tay nhạc trưởng Niklas Hoffmann'.
Nguyễn Trung Nghĩa, 15 tuổi, con trai anh Hiếu, kể lại: 'Cháu ấn tượng nhất với phần biểu diễn Quốc ca Việt Nam. Ngày nào cũng chào cờ ở trường mà hôm đó, nghe quốc ca sao mà như có thêm chất lửa. Cháu đã từng xem nhiều buổi diễn trên phố của LuaLa, một số buổi diễn tại Nhà hát lớn và cháu rất thích nhạc giao hưởng!'.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong một bài phỏng vấn gần đây đã nhận định, cách đây 10-15 năm, khán giả đi nghe nhạc cổ điển thường là tầng lớp trung niên và có tuổi. Nhưng nay, các chương trình giao hưởng bán vé rất nhiều cho những khán giả trẻ.
Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định, 5 năm trở lại đây, người yêu nhạc cổ điển đã trẻ hóa. Lượng khán giả có nhu cầu mua vé nghe giao hưởng cũng gia tăng, nhiều buổi biểu diễn chất lượng thậm chí cháy vé.
Trong bối cảnh đó, sự ra đời của các dàn nhạc tư nhân với sự đầu tư xứng đáng cùng định hướng phát triển dài hạn như Sun Symphony Orchestra được nhiều chuyên gia uy tín, các nghệ sĩ gạo cội cho là cần thiết, góp phần đem tới cho khán giả Việt những buổi diễn chất lượng.
Đặc biệt, như nhận định của P.GS - Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của khán giả, 'SSO có thể coi là một ‘bà đỡ’ cho giá trị tinh thần lớn của nền âm nhạc nói chung.
Bởi trong cả một rừng văn hóa như pop, rock, dân gian đương đại, nhà bảo trợ đã dũng cảm chọn nhạc giao hưởng'.
Theo nhạc sĩ, nếu thế giới có Mozart, Beethoven, Tchaikovsky,… thì ở Việt Nam từ những năm 60 của Thế kỉ 20 cũng có những Hoàng Việt, Hoàng Vân, Đàm Linh...
Các tác phẩm nước ngoài dù cho kinh điển nhưng tinh thần người Việt cũng như văn hóa Việt Nam chuyển tải qua các tác phẩm đó sẽ không được thấm vào thế hệ sau này.
Sun Symphony Orchestra ra đời với mục tiêu tiếp cận với số đông công chúng Việt Nam bằng những tác phẩm gần gũi hơn, đưa văn hóa Việt Nam vào âm nhạc giao hưởng, sẽ giúp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dần thấm dẫn trong tâm hồn thế hệ trẻ.
'Biết rằng trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng với chiến lược này, phương châm này, hướng đi đúng đắn này, chắc chắn Sun Symphony Orchestra sẽ là điểm tựa để những nghệ sĩ có thể đi theo đam mê của mình' - xin mượn lời nhạc sỹ Thiếu Hoa để gửi niềm tin lớn vào những thay đổi tiếp theo của âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Bạn đang xem bài viết Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra sẽ đưa văn hóa Việt vào nhạc giao hưởng như thế nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].