Trên mạng xã hội rất nhiều cha mẹ chia sẻ nhau kinh nghiệm rửa mũi cho trẻ bằng cách bơm nước muối, dung dịch rửa mũi cho trẻ.
Nhiều hình ảnh cha mẹ chia sẻ sử dụng xilanh bơm nước muối vào một bên mũi trẻ, mũi bên kia nước và dịch nhầy chảy ra khiến không ít con trẻ sợ hãi khi bị bơm rửa mũi.
Chia sẻ về việc cha mẹ có nên thường xuyên bởm rửa mũi cho trẻ hay không, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, cứ bơm rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý hàng ngày sẽ giúp làm sạch mũi, loại bỏ bụi bẩn, dịch mũi, rỉ mũi, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp cho trẻ.
Hành động bơm rửa mũi hàng ngày cho con là hoàn toàn sai lầm. Bởi nếu rửa mũi quá nhiều lần, ngay cả khi trẻ không bị các triệu chứng như chảy nước mũi, ngạt mũi thì sẽ gây hại cho trẻ.
Trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, bụi bẩn và mũi có cơ chế tự làm sạch.
Nếu lạm dụng việc bơm rửa mũi sẽ làm mũi trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên giúp tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, khiến mũi trẻ bị rát, kích ứng mũi, chảy nước mũi, ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khô mũi thậm chí dễ gây nên viêm mũi mạn tính.
Hơn nữa, việc bơm rửa mũi cho trẻ hàng ngày có thể tạo cảm giác trẻ luôn bị bệnh. Cùng với đó là việc rửa mũi sai tư thế có thể khiến trẻ bị đau, chảy máu, hoặc là gây viêm tai giữa do dịch đọng trong mũi chảy ra tai.
Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, việc sử dụng nước biển và nước muối sinh lý chỉ thật sự tốt khi trẻ có tình trạng viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi nhiều. Việc nhỏ và xịt mũi cho trẻ lúc này giúp làm sạch, đảm bảo sự thông thoáng cho mũi.
Khi trẻ bị sổ mũi, phụ huynh chỉ cần xịt hoặc rửa mũi 3-4 lần/ngày. Ngoài ra, khi trẻ đi chơi xa, ra ngoài môi trường bụi bặm về, sau khi vào bệnh viện chơi cũng có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Với những trẻ đang khỏe mạnh thì không nhất thiết phải thường xuyên nhỏ mũi để phòng bệnh.
Kỹ thuật rửa mũi cho trẻ gồm các bước sau:
1. Để trẻ trên gối cao hoặc nẵm nghiêng trên mặt phẳng (giường, ghế làm thủ thuật) cho bé không bị sặc vào đường thở
2. Dùng chai hoặc bình rửa mũi đã được làm ấm rửa mũi đã thông từng bên cho đến khi dịch viêm đẩy ra bên đối diện.
3. Nếu dịch đặc dùng máy hút mũi sau khi rửa từ 2 – 3 phút
4. Lấy khăn xô mềm thấm lau nước muối và dịch mũi
Nếu gặp khó khăn trong quá trình rửa mũi khi trẻ bị bệnh cần đưa ngay tới cơ sở y tế để thực hiện đúng quy trình tránh gây tổn thương sâu và gây nặng bệnh cho trẻ.
Kỹ thuật rữa mũi thường được thực hiện đối với các bệnh viêm mũi xuất tiết, viêm mũi sau sốt virus, viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang cấp và mạn tính, ngạt tắc mũi…
An AnBạn đang xem bài viết Có nên thường xuyên rửa mũi cho trẻ? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].