Mỗi tuần 100-130 trẻ bị cúm nhập viện
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.
Bệnh nhi M.K (6 tuổi, Hà Nội) nhập viện do cúm A đến nay đã gần một tuần. Gia đình bé cho biết, sáng 26/11, bé vẫn khỏe mạnh bình thường.
Buổi trưa, khi đi học về, bé bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39-40 độ. Uống thuốc hạ sốt nhưng bé đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc, rồi sốt lại.
Sau một ngày, gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các bác sĩ nhận thấy cháu tình trạng trẻ sốt cao, khó thở nên chỉ định nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với virus cúm A.
Bác sĩ Lâm cho biết, thời tiết mùa đông hiện nay với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm “vào mùa” nên rất nhiều trẻ sức đề kháng kém sẽ bị nhiễm virus cúm A.
Biểu hiện của cúm
Bác sĩ Lâm thông tin, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Cách đối phó khi trẻ mắc cúm
Trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần thực hiện những việc sau:
- Hạ sốt cho trẻ: Nới rộng quần áo cho trẻ; chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ.
- Vệ sinh đường hô hấp: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng (không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn). Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước; tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú.
- Phòng lây nhiễm: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy; mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ; tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần tiêm vắc xin bởi đây là biện pháp hiệu quả để phòng cúm.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bác sĩ BV Nhi hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ mắc cúm, bị ho, sốt, sổ mũi trong mùa đông tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].