BS. Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, bác sĩ cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, ở tại Quảng Trị) trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc rượu bằng việc truyền 15 lon bia vào cơ thể.
Bác sĩ Lê Văn Lâm cho biết, bệnh nhân trong trường hợp nguy kịch, không còn nhiều thời gian và với phương pháp cấp cứu này, bác sĩ được đọc trên các tài liệu nước ngoài nên đã mạnh dạn thực hiện.
Tuy nhiên, bệnh nhân này bị ngộ độc rượu methylic (methanol) - một loại rượu không thể uống khác hẳn hoàn toàn với ngộ độc rượu mà người dân vẫn hay nói là ngộ độc ethanol (rượu sử dụng làm thực phẩm).
Vì vậy, trong phác đồ cấp cứu ngoài việc thẩm tách máu, các bác sĩ dùng chính rượu Etylic (có trong bia - rượu) đưa vào cơ thể để tranh chấp với Metylic, đồng thời thẩm tách máu để loại trừ Metylic ra khỏi cơ thể.
Thực chất, trong xử lý vấn đề, cách tốt nhất là sử dụng rượu Etylic tinh chế truyền trực tiếp qua tĩnh mạch như thuốc để thành phần etylic có trong bia hay rượu sẽ có tác dụng tranh chấp với Metylic - loại rượu không thể uống được. Tuy nhiên, do việc mua loại rượu này rất khó và không thể đảm bảo rượu có thêm Metylic hay không nên bác sĩ đã dùng bia (bản chất cũng có Etylic) và truyền vào đường tiêu hoá.
Nghĩa là, trong trường hợp này, bác sĩ dùng bia xông vào đường tiêu hoá cho bệnh nhân chứ không phải tiêm vào tĩnh mạch như nhiều người đang lầm tưởng. Rất nhiều người dân đã không hiểu và cho rằng nếu say rượu thì uống thêm bia để giải rượu. Điều này sẽ làm nặng hơn tình trạng ngộ độc rượu.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ Lâm vừa cứu sống, người bệnh bị ngộ độc methanol (một loại rượu công nghiệp cực độc) chứ không phải ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm).
Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau cho nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể.
Ngoài ra, để điều trị ngộ độc methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu.
Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia chẳng hạn) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.
Việc phác đồ điều trị ngộ độc rượu phải là phát hiện sớm và lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh chứ không phải sống vì truyền bia.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Chuyên gia nói gì về trường hợp 'truyền bia giải ngộ độc rượu'? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].