Người lo lắng…
Hà Nội đang bắt tay chuẩn bị thực hiện chương trình Sữa học đường trong các trường mẫu giáo và tiểu học bắt đầu từ năm 2018 - 2019. Chương trình có tên gọi đầy đủ “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016.
Ngay khi chương trình này được thông tin tới phụ huynh có con trong độ tuổi từ 2 tới 10 tuổi nói riêng và dư luận nói chung, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về chất lượng sữa cũng như quan điểm về sự cần thiết của chương trình cả trên các diễn đàn mạng xã hội và trong các buổi tranh luận thực tế.
Trên mạng xã hội facebook, không khó để bắt gặp những ý kiến không đồng tình với chương trình Sữa học đường. Điển hình như chủ tài khoản facebook Huyền Đô bày tỏ: “Tôi không đồng tình với chương trình Sữa học đường, bởi vì: Tầm vóc con phụ thuộc vào các yếu tố như Gen di truyền, dinh dưỡng, vận động… Sữa không phải là thứ tiên quyết để quyết định chiều cao. Sữa chỉ là một lựa chọn trong vô vàn lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng khác”.
Bày tỏ sự lo lắng về chất lượng sữa học đường, chủ tài khoản facebook Nguyễn Huyền cho rằng: “Mặc dù đã đặt bút ký đồng ý với chương trình nhưng thực sự trong lòng tôi luôn thấy lo lắng.Trên thực tế, đã xảy ra vụ nghi ngộ độc sữa học đường ở một tỉnh miền Nam, cho tới thời điểm hiện tại nhiều phụ huynh có con nghi bị ngộ độc vẫn đang bức xúc mà chưa có câu trả lời thỏa đáng. Làm thế nào để kiểm soát được chất lượng của Sữa học đường? Bên cạnh đó, có trẻ trạng thái cơ thể không phù hợp với một số loại sữa nên dễ phát sinh các bệnh về tiêu hóa”.
Trả lời phỏng vấn báo Gia Đình Mới, chị Thu Hương –phụ huynh một trường mẫu giáo ở quận Cầu Giấy phân tích: “Tôi cho rằng việc thực hiện chương trình Sữa học đường ở tất cả các quận, huyện, thị của thành phố là chưa cần thiết. Tôi nghĩ TP nên khảo sát những địa phương có tỷ lệ trẻ thấp còi suy dinh dưỡng để thực hiện điểm. Khi đã có kết quả tích cực thì nhân rộng sẽ thuyết phục các bậc phụ huynh. Hiện nay, khi theo dõi các bữa ăn của các con trên lớp mẫu giáo ở các quận nội thành, tôi thấy nhiều trường cũng đã có các loại sữa trong khẩu phần ăn của các con trong những bữa phụ.”.
Người tin tưởng…
Là phụ huynh có con đang học mẫu giáo tại quận Thanh Xuân, anh Nguyễn Minh Đức (phường Nhân Chính) lại cho rằng: Đây là chương trình với mục tiêu nhân văn nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc thể lực của trẻ em. Tôi nghĩ chương trình ít nhất cũng giúp cung cấp thêm dinh dưỡng cho trẻ. Bởi các con sẽ được uống sữa đều đặn 5 buổi sáng/tuần, việc mà không phải gia đình nào cũng làm được.
Trên mạng facebook, bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có rất nhiều quan điểm của các bậc phụ huynh và nhân dân thể hiện sự đồng tình với Sữa học đường. Nicknam facebook Anh Hoàng Minh nêu quan điểm: “Tôi nghĩ các bạn nên tin tưởng vào mục đích nhân văn của chương trình và các ban ngành thực hiện chương trình. Chương trình là đề án của Chính phủ, Hà Nội tiên phong thực hiện bởi mong muốn góp phần cải thiện chiều cao và thể lực cho trẻ. Trên thực tế hiện nay, tầm vóc của trẻ em Việt vẫn khá thấp so với nước ngoài. Việc duy trì lượng sữa đủ chất dinh dưỡng trong những năm đầu đời, chắc chắn sẽ bổ sung dinh dưỡng cho trẻ”.
Chị Nguyễn Thùy Nương (phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Chúng ta không nên quá bi quan, tiêu cực với chương trình này. Hãy nhớ lại nhiều năm trước, khi bệnh đau mắt đỏ lây lan, chính sự chung tay của nhà trường và ngành y tế đã đẩy lùi căn bệnh này. Tôi tin tưởng rằng, Sở GD&ĐT sẽ có trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm soát chất lượng, nguồn dinh dưỡng trong sữa để đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng, góp phần cải thiện tầm vóc và trí tuệ”.
Mới đây nhất, trong cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: chất lượng, thành phần cung ứng sữa học đường cho trẻ em, học sinh Hà Nội cũng được đảm bảo chặt chẽ vì Hà Nội liên kết chặt chẽ với Bộ Y tế để kiểm định, giám sát chất lượng sữa.
Hiện, không chỉ Hà Nội mà UBND TP. HCM cũng đã thông qua đề xuất thực hiện chương trình Sữa học đường của Sở GD&ĐT TP. HCM. Mặc dù đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ có trên 90% trẻ mẫu giáo và tiểu học trên toàn thành phố được uống sữa học đường, nhưng để nhận được sự đồng tình của đa số dư luận, Sở GD&ĐT Hà Nội và TP. HCM sẽ cần lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh. Các ý kiến đồng tình, góp ý thậm chí bày tỏ lo lắng của những ông bố, bà mẹ cũng góp phần giúp cho Sở GD&ĐT 2 thành phố lớn thực hiện chương trình một cách hiệu quả, an toàn.
Việt HưngBạn đang xem bài viết Sữa học đường: Mẹ lo lắng, bố lại tin tưởng? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].