Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, Tết cổ truyền của dân tộc ta từ trước tới nay vẫn đang là những ngày mà gần như tất cả mọi sinh hoạt của mỗi người bị đảo lộn.
Nào là ăn nhiều hơn về số lượng, chất lượng. Nào là uống nhiều hơn với các loại đồ uống có cồn, nào là đi lại nhiều hơn để chúc Tết những người thân trong gia đình, cơ quan, bè bạn.
Nào là ăn, ngủ , nghỉ chẳng còn được nề nếp như nhưng ngày thường nữa… Vì vây, để vui vẻ mà vẫn khỏe mạnh trong dịp Tết cần chú ý điều chỉnh để nề nếp sinh hoạt hàng ngày của chúng ta sao cho ít bị đảo lộn nhất có thể.
Về chế độ dinh dưỡng, “trước hết nên dậy đúng giờ như ngày thường, tổ chức ăn sáng cho mình và cả gia đình, không nên bỏ bữa sáng để làm cơm bữa chính ăn một thể.
Rồi đến bữa trưa cũng cần ăn đúng giờ và đảm bảo thời lượng của bữa ăn, điều này có khi cũng khó thực hiện vì mỗi thành viên trong gia đình có một lịch trình khác nhau nên không thể bữa nào, ngày nào cũng ngồi ăn cùng với nhau được.
Cũng có khi đang ăn, gặp bạn bè, người thân đến chúc Tết lại tiện thể mời ngồi vào mâm để lai rai, trò chuyện, có thể đến vài giờ đồng hồ chưa kết thúc, thành ra năng lượng nạp vào cơ thể rất khó kiểm soát được.
Buổi tối cũng vậy, nên chú ý ăn đúng bữa (đúng giờ) dù có thể chưa đói vì bữa ăn ngày Tết thường no lâu, khó tiêu do bữa ăn quá nhiều chất.
Đặc biệt là trước khi đi ngủ không nên ăn quá no, uống quá nhiều, tránh một quan niệm không đúng đắn rằng, ăn uống xong đi ngủ, có đi đâu nữa đâu mà phải ngại, nên cứ ăn và uống thoải mái trong bữa tối, nhất là bữa tối lại được tổ chức muộn thì sẽ càng tạo áp lực cho bộ máy tiêu hóa” - PGS.TS Trần Đình Toán choVậy nên, để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các thành viên trong gia đình trong những ngày Tết cần có những bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể.
Trong đó, cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật. Đồng thời, cần hạn chế mua nhiều thực phẩm để dự trữ, nên mua những phẩm tươi sống, bổ sung thêm rau xanh và hoa qua chín.
PGS.TS Trần Đình Toán cũng khuyên rằng, mỗi thế hệ có một thói quen, ý thích, khẩu vị khác nhau nên việc lựa chọn thực phẩm, lựa chọn món sao cho phù hợp với mọi thành viên trong gia đình là rất khó.
Nhưng những người trẻ, khỏe, thanh thiếu niên đến trung niên thì cũng có thể dung hòa được, còn người già, người bệnh trong nhà, trẻ nhỏ trong độ tuổi còn bú mẹ, ăn dặm… thì cần phải chú ý hơn đến thực phẩm, thực đơn, không nên “ép” các đối tượng này ăn theo một thực đơn chung cho cả nhà.
Còn chọn thế nào cho phù hợp thì cũng cần tính đến nhu cầu và khả năng cung ứng ở từng vùng, từng miền, từng địa phương, nơi đó có những loại thực phẩm thông dụng gì, thực phẩm gì không có…
Cũng có khi cần phải mua một số thực phẩm mà những đối tượng này đang quen dùng để dự trữ cho những ngày Tết, tránh tình trạng Tết không có chỗ để mua, làm ảnh hưởng đến chế độ ăn của họ trong những ngày Tết và dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, để các thành viên trong gia đình đón một cái Tết vui khỏe thì việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp cả nhà đóng vai trò hết sức quan trọng và phải được lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo.
Linh NgaBạn đang xem bài viết Chế độ dinh dưỡng ngày Tết: như thế nào là hợp lý? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].