Hiện nay, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, cùng với lối sống hiện đại đã thay đổi phần nào cách ăn của người Việt.
Xu hướng đơn giản hóa các món ăn, thời gian chuẩn bị bữa ăn cũng ít hơn, dành nhiều thời gian để vui chơi, vì thế bữa ăn bị coi nhẹ.
Để bữa ăn ngày tết đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có thời gian để bạn dành cho gia đình, đi chúc tết, du xuân cùng người thân, bạn bè, thì việc “sắm Tết” là công đoạn rất quan trọng để chuẩn bị cho bữa ăn sum vầy ngày Tết.
Phục vụ những bữa ăn ngày tết, bạn thường mua nhiều loại thực phẩm để dự trữ và bảo quản trong tủ lạnh.
Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: ‘Những thực phẩm truyền thống như: giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét,…được chế biến sẵn, những thực phẩm khác như thịt và rau các loại cũng được dự trữ, món rau chủ yếu trong ngày tết là canh măng.
Vì thế, bữa ăn quá thừa thịt, thiếu rau xanh, món ăn thường bị lặp đi lặp lại trong các bữa, làm bạn cảm giác ăn không ngon.
Thường vào ngày mồng hai Tết người kinh doanh ăn uống đã mở bán những món ăn bình dân như: bún ốc, bún cua, phở,…rất đông người ăn, giá lại đắt gấp 1,5-2 lần ngày thường vì họ biết tâm lý người tiêu dùng đã chán món ăn ngày tết và thèm món ăn dân dã 'món ăn nóng, nhiều rau xanh'.
Vì vậy, để bữa ăn ngày Tết ngon lành, hấp dẫn và an toàn thực phẩm thì người nội trợ hạn chế mua nhiều thực phẩm để dự trữ, nên mua những phẩm tươi sống và nhớ mua thêm rau xanh và hoa qua chín’.
Cũng theo bác sĩ Tiến, một chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe cho bạn trong những ngày tết là bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, bữa ăn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể.
Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp chiếm 55-67 % tổng năng lượng khẩu phần, phần năng lượng còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 13-20% là từ chất đạm.
Để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật.
Ví dụ một bữa ăn hợp lý là không chỉ ăn thịt, cá, mà còn ăn đậu phụ, vừng lạc, rau xanh và hoa quả.
Trong bữa ăn ngày Tết các bạn đừng quên rau xanh và hoa quả chín, có thể ăn với số lượng nhiều. Nhu cầu rau xanh là 400gr/người/ngày và quả chín là 100-200gr/người/ngày.
Để đảm bảo sức khỏe của bạn trong những ngày tết, cần chú ý như sau:
Bữa ăn cần đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo đặc biệt là rau xanh và hoa quả chín.
Không ăn thức ăn ôi thiu, có mùi lạ để đề phòng ngộ độc. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín. Thức ăn dự trữ hoặc còn dư sau mỗi bữa ăn phải bảo quản trong tủ lạnh cần đun lại thức ăn trước khi ăn.
Không lạm dụng rượu bia, nước ngọt có ga hoặc không có ga, không ăn nhiều bánh kẹo. Hãy cảnh giác với rượu giả trên thị trường.
Cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn bệnh lý đối với người bệnh bị tiểu đường, gút, thừa cân béo phì,..
Thực hiện ăn, nghỉ đúng giờ tránh thay đổi. Quần áo mặc đủ ấm khi trời rét, mát khi trời nóng trong trường hợp phải đi xa.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Bật mí chế độ ăn cho ngày Tết đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].