Theo BSCKII Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115, quả thận rất nhỏ, chỉ to hơn nắm tay nhưng có nhiều chức năng như: Thải nước tiểu và các chất độc ra khỏi cơ thể; Tạo máu, chính vì vậy bệnh nhân bị suy thận sẽ bị thiếu máu; Nội tiết, chuyển hóa canxi, photpho, khi bị bệnh thận bệnh nhân sẽ bị các bệnh xương kèm theo như nhũn xương, loãng xương thậm chí gãy xương; Điều chỉnh huyết áp, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp có thể dẫn đến suy thận nhưng ngược lại những bệnh nhân suy thận có thể không bị tăng huyết áp…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn trong đó có chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học. Nhiều người cứ nghĩ rằng “chắc ăn uống như vậy, sinh hoạt thế này không sao đâu, thận có hư vẫn còn một quả”, nhưng thực tế không phải như vậy.
Thận sẽ hư dần đều, thậm chí khi hư trên 50% chức năng của thận mới biểu hiện ra bên ngoài nên người nào thấy có dấu hiệu bệnh thận có nghĩa là trên 50% chức năng thận đã bị hư.
Và khi chẳng may thận bị hư dẫn đến suy thận mạn thì người bệnh càng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tiến triển nặng. Bởi, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác động tích cực tới hiệu quả điều trị bệnh, tránh tình trạng bệnh nhân bị suy dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt sức khỏe trong quá trình điều trị.
Chế độ ăn cho người bệnh suy thận mạn thế nào?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nguyên tắc dinh dưỡng dành cho những người bệnh suy thận mạn cần đảm bảo:
- Nhu cầu protein (chất đạm): Sử dụng khoảng 0,6 - 0,8g/kg/ngày. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, áp dụng nhu cầu protein trong khẩu phần sẽ có sự khác nhau. Nên ưu tiên các loại đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, thịt nạc, sữa. Giảm đạm trong khẩu phần ăn giúp làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Nhu cầu năng lượng: Khoảng từ 35-40 kcal/kg/ngày.
- Nhu cầu chất béo: Ít hơn 30% tổng năng lượng khẩu phần.
- Nhu cầu phốt pho: Mỗi ngày nên bổ sung từ 300-600 mg.
- Nhu cầu canxi: Mỗi ngày nên bổ sung từ 900-1200 mg.
- Nhu cầu natri: Khoảng từ 1000-2000 mg/ ngày tùy thuộc vào mức độ phù và huyết áp.
- Nhu cần về sắt: Khi bệnh nhân thực hiện chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn giảm đạm, cần phải bổ sung thêm sắt.
- Nhu cầu kali: Bổ sung khoảng từ 2000-3000 mg/ ngày; khi có tăng kali trong máu, phù hay tiểu ít thì hạn chế dưới 1000 mg. Trong bữa ăn, không nên uống quá nhiều nước canh vì có chứa nhiều kali.
- Nhu cầu về vitamin: Nên bổ sung các vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C, nếu bệnh nhân có những biểu hiện của loạn dưỡng xương hoặc cường phó giáp thì có thể bổ sung thêm vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin D3.
- Nhu cầu nước: Cân bằng lượng nước vào và lượng nước ra.
Cách phòng ngừa bệnh thận
Bác sĩ Tạ Phương Dung cho biết, bệnh thận có thể phòng ngừa được nếu tuân thủ thực hiện những điều sau:
- Thay đổi lối sống lành mạnh và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, năng động, không nên ngồi ù lỳ một chỗ.
- Hình thành thói quen tập thể dục hàng ngày, có nhiều cách, thậm chí đang bệnh cũng có những động tác phù hợp như quét nhà, lau bàn, sơ chế rau củ… Tùy tình trạng sức khỏe từng người mà các bác sĩ sẽ khuyến cáo chế độ tập luyện vừa sức, có người chỉ đơn giản là lau nhà, đi bộ nhanh, làm vườn, làm ruộng…, nhưng có những người khỏe mạnh sẽ chơi những môn thể thao vận động mạnh như đá bóng, bơi lội, đạp xe, chạy...
- Cần uống đủ nước mỗi ngày theo công thức dễ nhớ là 4:2:1 (4 chai tương đương 2 lít nước trong 1 ngày). 2 lít là lượng dịch nhập vào cơ thể. Nếu hôm nào ăn nhiều canh, ăn bún, phở thì uống bớt lượng nước lại, hôm nào trời nắng thì phải uống nhiều nước nước hơn để đảm bảo lượng nước trong cơ thể.
- Nên hạn chế rượu bia: Không cấm đoán rượu bia hoàn toàn, nhưng 1 ngày 1 người chỉ nên uống khoảng 300ml rượu vang đỏ, hoặc bia có nồng độ cồn 5 độ thì có thể uống dưới 1 lon.
-Tránh xa thuốc lá: Ngưng thuốc lá đã giảm được rất nhiều bệnh tật, như đã có thống kê ngưng thuốc lá giảm được 3% tỷ lệ tử vong chung, hơn 4% các bệnh lý về tai biến và đặc biệt giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim đến 7%.
-Nếu có bệnh tăng huyết áp, người bệnh nên đi khám thường xuyên và đảm bảo huyết áp dưới 140/90, nếu có bệnh đái tháo đường cũng phải điều trị theo đơn của bác sĩ vì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bệnh thận là tăng huyết áp và đái tháo đường.
- Với những người không bị bệnh thận nhưng trong gia đình có người mắc bệnh thận mạn tính thì nhớ nên đi kiểm tra hàng năm, nếu có những bệnh thường ngày như cảm cúm, ho… cũng nên khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ chứ không nên tự ý dùng thuốc.
- Hạn chế ăn muối: Trong chế độ ăn hàng ngày nên hạn chế muối vì ăn mặn không chỉ ảnh hưởng đến bệnh thận mà còn dễ dẫn đến mắc bệnh huyết áp, tim mạch. Thông thường một ngày một người bình thường có thể ăn được 5- 6g muối. Khi chưa bị bệnh, chỉ cần giảm 2-5g muối trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng giảm được 2- 3% bệnh lý tử vong do tim mạch, thận, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...