Cách lựa chọn và sử dụng đồ chơi an toàn cho trẻ không phải cha mẹ nào cũng biết

Có rất nhiều ca cấp cứu tại các bệnh viện lớn liên quan đến chuyện trẻ bị hóc dị vật. Một trong những nguyên nhân gây hậu quả này là do đồ chơi – những thứ trẻ tiếp xúc thường xuyên và là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ.

Đồ chơi là không thể thiếu với trẻ em, nhưng cách để chọn và sử dụng đồ chơi an toàn thì không phải bố mẹ nào cũng biết

Đồ chơi là không thể thiếu với trẻ em, nhưng cách để chọn và sử dụng đồ chơi an toàn thì không phải bố mẹ nào cũng biết

Hóc dị vật là nguy cơ cho mọi trẻ em, nhưng đặc biệt hay xảy ra với trẻ 3 tuổi hoặc nhỏ hơn, bởi các bé tuổi này có xu hướng bỏ các thứ có được vào miệng.

Sau đây là một số khuyến cáo quan trọng về chọn và sử dụng đồ chơi đảm bảo an toàn đến từ tổ chức Kid Health (Hoa Kỳ), một tổ chức truyền thông chuyên về vấn đề sức khỏe trẻ em.

Một số nguyên tắc cần nhớ khi mua đồ chơi trẻ em

  • Đồ chơi làm bằng vải cần có nhãn chống cháy hoặc khó cháy
  • Đồ chơi nhồi bông cần có thể giặt được
  • Đồ chơi sơn màu cần phủ sơn không chì
  • Đồ chơi tô màu, đất nặn cần có nhãn ‘nontoxic’ – không độc

Ngoài ra, tùy theo từng quốc gia, sẽ đều có những nhãn đảm bảo an toàn do các cơ quan chức năng cấp cho đồ chơi.

Với đồ chơi cũ, cha mẹ có thể nhận được từ bạn bè, họ hàng. Những đồ chơi này có vẻ vẫn còn tốt, lại giúp tiết kiệm chi phí, tuy nhiên không loại trừ những nguy cơ mà nó có thể mắc phải.

Đồ chơi cũ có thể không đáp ứng những tiêu chí an toàn hiện tại, cũng có thể đã quá mòn, cũ khiến chúng bị vỡ và trở nên nguy hiểm.

Đồng thời, cha mẹ cần đảm bảo đồ chơi không gây tiếng ồn quá lớn đối với trẻ. Một số đồ chơi điện tử, chuông, nhạc cụ... có tiếng ồn không khác gì tiếng còi xe ô tô. Nguy hiểm hơn là trẻ có thể không hiểu biết và đưa áp sát đồ chơi này vào tai.

Đây là các đồ chơi tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho khả năng nghe của bé.

Súng đồ chơi được bày bán rất nhiều trên thị trường nhưng không phải loại nào cũng hợp với lứa tuổi của con và an toàn

Súng đồ chơi được bày bán rất nhiều trên thị trường nhưng không phải loại nào cũng hợp với lứa tuổi của con và an toàn

Đồ chơi đúng là phù hợp với lứa tuổi

Cha mẹ luôn luôn nên đọc nhãn đồ chơi để đảm bảo đồ chơi phù hợp với tuổi của trẻ. Đây có thể coi là thông tin quan trọng nhất khi cha mẹ quyết định mua đồ chơi nào cho con.

Đồng thời, hãy xem xét theo quan điểm riêng của mình: liệu tính khí, thói quen, hành vi,... của con có phù hợp với đồ chơi bạn định mua hay không?

Bạn cũng có thể nghĩ rằng một đứa trẻ ‘lớn hơn’ so với bạn bè đồng lứa có thể chơi những đồ chơi cho trẻ lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, mức tuổi khuyến cáo ghi trên nhãn đồ chơi được quyết định bởi các yếu tố an toàn, chứ không căn cứ trên mức độ thông minh hay trưởng thành.

Sau đây là một số hướng dẫn quan trọng theo độ tuổi mà cha mẹ cần ghi nhớ:

Với trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi và trẻ mầm non:

Đồ chơi phải có kích thước lớn: đường kính tối thiểu là 3 cm và chiều dài 6 cm - để chúng không thể nuốt hoặc nằm trong đường thở.

Bạn có thể thử với một lõi giấy vệ sinh, nếu một đồ chơi lọt vào bên trong ống, thì nó quá nhỏ đối với một đứa trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tránh các viên bi, đồng xu, quả bóng và trò chơi với bóng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 4,4 cm. Các vật thể có dạng tròn rất dễ bị mắc kẹt trong cổ họng, khí quản và hạn chế thở.

Đồ chơi chạy bằng pin nên có các hộp pin được bảo vệ bằng vít để trẻ em không thể mở hộp lắp pin. Pin và chất lỏng của pin gây nguy hiểm nghiêm trọng, bao gồm nghẹt thở, chảy máu và bỏng hóa chất nội tạng.

Khi kiểm tra một đồ chơi cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, cha mẹ cần đảm bảo rằng đồ chơi không dễ vỡ và đủ chắc để không vỡ khi trẻ cho vào miệng nhai. Ngoài ra, đảm bảo rằng đồ chơi không có:

  • Đầu sắc hoặc các bộ phận nhỏ như mắt, bánh xe, hoặc khuy có thể được tháo rời
  • Đầu nhỏ có thể chọc vào miệng
  • Dây dài hơn 18 cm
  • Các bộ phận mà ngón tay nhỏ của bé có thể kẹt vào

Hầu hết các đồ chơi cưỡi được đều có thể được sử dụng khi đứa trẻ có thể ngồi tốt - nhưng cha mẹ hãy kiểm tra với khuyến nghị của nhà sản xuất.

Đồ chơi như cưỡi ngựa, toa xe nên đi kèm với dây đai, dây đeo an toàn, có sự ổn định để đảm bảo không bị lật, đổ.

Đặc biệt, đồ chơi nhồi bông và đồ chơi khác được bán, thưởng ở các lễ hội, hội chợ, và trong các máy bán hàng tự động có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Vì vậy cha mẹ nên kiểm tra các đồ chơi này cẩn thận trước khi để cho trẻ sơ sinh chơi.

Trẻ trượt patin cần có mũ bảo hiểm và các dụng cụ đảm bảo an toàn khác

Trẻ trượt patin cần có mũ bảo hiểm và các dụng cụ đảm bảo an toàn khác

Với trẻ tiểu học:

Xe đạp, xe scooter, ván trượt, giày trượt không bao giờ được dùng nếu không có mũ bảo hiểm đúng chuẩn an toàn. Ngoài ra, các dụng cụ bảo vệ an toàn bàn tay, cùi chỏ và chân cũng rất cần thiết.

Các loại lều trại cho trẻ cần có cấu trúc chắc chắn, an toàn để chúng không bị sụp và gây ngạt.

Các đồ chơi phi tiêu hoặc mũi tên cần phải có đầu mềm hoặc cốc hút ở điểm cuối, không phải là điểm cứng có thể gây tổn thương.

Súng đồ chơi nên được sơn màu sáng để chúng không bị nhầm lẫn với vũ khí thật, và trẻ em nên được dạy để không bao giờ bắn phi tiêu, mũi tên, hoặc súng vào bất cứ ai.

Đồ chơi điện cần có các nhãn dán an toàn về điện.

Giữ đồ chơi an toàn tại nhà

Sau khi lựa chọn đồ chơi an toàn để mua, một việc quan trọng khác nữa là đảm bảo sử dụng đồ chơi an toàn tại nhà.

Cách quan trọng để thực hiện điều này là: chơi cùng trẻ, từ đó dạy bé chơi như thế nào vừa vui vừa an toàn.

Ngoài ra, cha mẹ nên:

  • Kiểm tra đồ chơi thường xuyên để đảm bảo rằng đồ chơi đang trong trạng thái tốt, không nứt, vỡ
  • Đồ chơi bằng gỗ không có dằm
  • Đồ chơi ngoài trời, xe đạp không bị gỉ
  • Đồ chơi nhồi bông không bị rách, không có các bộ phận có thể rời ra như khuy (nút), mắt...
  • Cần bỏ ngay những đồ chơi đã hỏng hoặc sửa chữa chúng.
  • Đồ chơi ngoài trời, khi trẻ không chơi thì cần bảo quản để chúng không bị mưa, tuyết làm hỏng.

Cuối cùng là nên đảm bảo giữ đồ chơi sạch.

Đa số các đồ chơi bằng nhựa có thể rửa bằng nước rửa bát, tuy nhiên hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng .

Một lựa chọn khác là có thể trộn xà phòng diệt khuẩn với xà phòng loại trung tính trong nước nóng, đổ vào bình xịt và dùng xịt rửa đồ chơi. Sau đó xả lại đồ chơi và phơi khô.

Trẻ em cần được học tập và vui chơi trong môi trường an toàn

Trẻ em cần được học tập và vui chơi trong môi trường an toàn

Những đồ chơi có mức nguy hiểm cao

  • Pháo hoa
  • Bóng bay
  • Kéo sắc
  • Diêm

Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ về sự an toàn của đồ chơi, hãy thận trọng và ngăn không cho phép trẻ chơi.

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính