Chiều 31/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Tại hội nghị, một trong những vấn đề được nhiều địa phương băn khoăn là: Khi trẻ đã nhiễm COVID-19 thì sau bao lâu có thể tiêm vắc-xin? Hiện nay vấn đề này chưa có ý kiến thống nhất.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, ngành y tế đã lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế để triển khai thống nhất, đồng bộ chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em. Ông khẳng định, những trẻ đã mắc COVID-19 có thể tiêm vắc- xin sau khi nhiễm 3 tháng.
Theo PGS Phan Trọng Lân, trẻ nhỏ mắc COVID-19 thường bị nhẹ nên miễn dịch chưa đầy đủ. Kể cả ở người lớn, miễn dịch tự nhiên của COVID-19 không chuẩn hóa bằng miễn dịch của vắc xin.
Bên cạnh đó, khi một người đã có miễn dịch tự nhiên và được tiêm thêm vắc xin, không có nghĩa là virus sống ở trong cơ thể, do đó tính an toàn vẫn đảm bảo.
Vì vậy, PGS Lân cho rằng, tiêm vắc xin trên những người đã mắc COVID-19 là cần thiết. Cho đến hiện tại, ở lứa tuổi 5-11 tuổi, cần tiêm ở thời điểm 3 tháng sau khi nhiễm, đồng thời phải đảm bảo an toàn là trên hết tại chiến dịch tiêm chủng.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho hay, thời gian qua, vắc-xin COVID-19 đã chứng tỏ vẫn có hiệu quả dù xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.
Ở trẻ nhỏ, vắc-xin COVID-19 giúp giảm lây nhiễm, giảm chuyển nặng và nguy cơ tử vong (đặc biệt ở nhóm có bệnh nền, béo phì). Ngoài ra, vắc xin giảm nguy cơ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C và hậu COVID-19. Đồng thời, phòng ngừa các chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất quan trọng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, ngày 5/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của WHO, CDC để đảm bảo tiêm chủng phải an toàn.
Thời gian qua Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về khuyến cáo chính thức cho Việt Nam về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này; Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo TW khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…
Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5- dưới 12 tuổi rất quan trọng. Từ các nhà chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất đây là đối tượng cần tiêm vắc-xin bởi từ khi các cháu trở lại trường học từ mầm non tới tiểu học hay năm đầu của THCS việc lây nhiễm COVID-19 của các cháu đã tăng lên khi biến chủng Omicron xâm nhập.
Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng khi các cháu ốm, phụ huynh cũng phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để tiếp tục học trực tuyến…tạo gánh nặng lên xã hội.
Ngoài ra, các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng là đáng lo ngại là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận…
Tại Việt Nam, đến nay cả nước đã tiêm trên 206 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 với nhóm trên 18 tuổi là 100%; mũi 2 là 99%;
Tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi hiện đạt tỷ lệ rất ấn tượng. Đến ngày 31/3 mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 92%.
Đối với nhóm đối tượng trên 18 tuổi, việc tiêm liều nhắc lại đã được Bộ Y tế triển khai từ tháng 12/2021, hiện khoảng trên 50% người đã tiêm liều nhắc lại. Riêng nhóm đối tượng nguy cơ, khoảng 64% người từ 18 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ đã được tiêm liều bổ sung.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ Y tế: Trẻ đã mắc COVID-19 có thể tiêm vắc-xin COVID-19 sau 3 tháng tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].