Bí kíp chống say tàu xe hiệu quả để về quê ăn Tết khỏe mạnh

Với những người bị say tàu xe, việc di chuyển bằng tàu xe trong dịp Tết trở thành nỗi ám ảnh. Cần làm gì để giảm say tàu xe khi về quê ăn Tết?

Vì sao có triệu chứng say tàu xe?

Tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe (thính giác) mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay, do có sự chuyển động, bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động sẽ làm cho buồn nôn. Và mọi người thường gọi triệu chứng này là say tàu xe. Tình trạng say tàu xe, máy bay còn gây chóng mặt, nôn nao, toát mồ hôi.

Say tàu xe còn xảy ra ở những người có khả năng tuần hoàn máu não kém, bị huyết áp thấp hay rối loạn tiền đình; Ở những người trước chuyến đi bị mất ngủ, có cảm giác mệt mỏi; Người ăn quá no hoặc quá đói; Tâm trạng bực bội, bồn chồn; Ngửi phải mùi xăng, khói thuốc, mùi xe, mùi hôi khó chịu,…

Triệu chứng say tàu xe xảy ra là do cơ địa của mỗi người và đa số triệu chứng say tàu xe sẽ hết trong khoảng một thời gian khi xe dừng lại. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có cảm giác chóng mặt, khó chịu kéo dài một vài ngày.

Dấu hiệu bị say tàu xe

  • Người bị say tàu xe thường gặp phải những dấu hiệu sau:
  • Có cảm giác khó chịu, xây xẩm mặt mũi, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn,… ở triệu chứng say tàu xe nhẹ.
  • Tuyến nước bọt tự nhiên điều tiết nhiều hơn, bụng cảm thấy cồn cào, chóng mặt, buồn nôn, cơ thể suy nhược.
  • Cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi vài tiếng sau khi bước xuống xe, rời khỏi tàu.
Sử dụng gừng tươi, dùng thuốc, bấm huyệt... là những cách đơn giản giúp giảm say tàu xe hiệu quả. Ảnh minh họa

Sử dụng gừng tươi, dùng thuốc, bấm huyệt... là những cách đơn giản giúp giảm say tàu xe hiệu quả. Ảnh minh họa

Cách giảm say tàu xe hiệu quả

- Bấm huyệt, massage: Theo y học cổ truyền, bấm vào 2 huyệt nội quan và huyệt hợp cốc sẽ giúp hạn chế tình trạng say xe rất hiệu quả. Đây cũng là cách nhanh chóng khi trên xe lúc không có cách nào giảm tình trạng khó chịu của say tàu xe.

Huyệt nội quan nằm trên cổ tay, cách lằn chỉ cổ tay 2 thốn, tức bằng 1/6 khoảng cách từ lằn chỉ cổ tay đến lằn chỉ khuỷu tay và nằm giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé.

Hợp cốc được xác định bằng cách: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

- Không để bụng đói khi đi xe: Đói bụng sẽ làm cơ thể mệt mỏi, cồn cào và dễ dẫn đến tình trạng say tàu xe. Vậy nên, trước khi đi tàu xe nên ăn no bụng, nhưng cũng không nên ăn quá no và nên hạn chế các loại thức ăn có mùi nồng, nặng.

- Hạn chế mùi xe: Ngửi phải mùi xăng, khói thuốc, mùi xe, mùi hôi khó chịu,… cũng là nguyên nhân gây say tàu xe. Do đó, để hạn chế ngửi phải những mùi khó chịu, khi đi tàu xe nên đeo khẩu trang, nên chọn loại khẩu trang khử mùi hoặc có thể ngửi một số mùi dễ chịu như bánh mì, vỏ chanh, cam…

- Chọn ngồi ở ghế trên, gần cửa sổ, không sử dụng điện thoại: Những người bị say tàu xe nên ngồi ở phía trên để giảm rung lắc trong quá trình xe di chuyển và cũng nên chọn ngồi gần cửa số cho thoáng, nhìn ngắm cảnh bên ngoài, không sử dụng điện thoại, đọc sách khi di chuyển.

- Sử dụng gừng tươi: Đối với người dễ bị say tàu xe, trước khi bước lên tàu xe nên chuẩn bị sẵn củ gừng đã cắt lát, thỉnh thoảng ngậm một lát gừng để giảm khó chịu khi đi tàu xe.

- Ngủ: Ngủ khi đi tàu xe cũng là một cách giảm say tàu xe hiệu quả. Người hay bị say tàu xe nên cố gắng ngủ trong thời gian di chuyển.

- Dùng thuốc chống say xe: Những người bị say tàu xe có thể sử dụng thuốc chống say theo liều lượng và thời gian mà nhà sản xuất khuyên dùng để hạn chế tình trạng say. Tốt nhất nên uống 30 phút trước khi lên tàu xe, nếu dùng dạng thuốc dán vào da sau tai nên dán sáu tiếng đồng hồ trước khi lên tàu xe để thuốc có đủ thời gian cho tác dụng.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính