Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:
Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
Cao huyết áp thứ phát (Tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết;
Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
Những sai lầm dùng thuốc người cao huyết áp hay mắc
Tự ngưng thuốc điều trị
Nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc khi thấy chỉ số huyết áp bình thường. Họ chỉ uống khi nào thấy huyết áp cao. Điều này nguy hiểm vì huyết áp về bình thường là do tác dụng của thuốc, khi ngưng thuốc chỉ số sẽ tăng trở lại. Nếu huyết áp lên quá cao thì sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ lưu ý các bệnh nhân cao huyết áp chỉ có thể sống hòa bình với bệnh nếu uống thuốc đều đặn suốt đời, chỉ ngưng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Dùng chung đơn thuốc
Huyết áp cao, chỉ số đo có thể đến 200/100mmHg nhưng do không có triệu chứng gì khiến nhiều người chủ quan.
Nhiều người cho rằng, bệnh tăng huyết áp điều trị giống nhau nên xin thuốc của người khác, tự mua uống, điều trị. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe, chỉ số huyết áp, giai đoạn của bệnh, bệnh lý đi kèm khác nhau. Do đó, mỗi người sẽ được điều trị khác nhau theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh nhân cao huyết áp tự ý đổi thuốc
Nhiều bệnh nhân đang dùng thuốc hạ huyết áp ổn định tự ý bỏ, đổi bằng một loại khác. Bác sĩ nhấn mạnh, loại thuốc tốt nhất là giúp kiểm soát tốt huyết áp, ít tác dụng phụ, giá thành hợp lý. Người bệnh không nên tự ý đổi thuốc khi huyết áp đang ổn định.
Dùng thuốc y học cổ truyền trôi nổi
Một số người nghe nói lá cây, rễ cây trị bệnh nên mua về nấu nước uống. Thực tế, các loại thuốc tự chế có thể làm tăng men gan hoặc tổn thương thận. Thuốc thảo dược nếu được nghiên cứu lâm sàng, nguồn gốc rõ ràng có thể dùng dưới sự giám sát của bác sĩ.
Tuy nhiên, người bệnh lưu ý phần lớn thuốc thảo dược chỉ hỗ trợ điều trị, không phải thuốc đặc trị.
Dùng một đơn thuốc kéo dài, không đi tái khám
Huyết áp thay đổi có thể tốt hay xấu kèm theo những biến chứng khó nhận ra. Vì vậy, khi người bệnh tái khám định kỳ, bác sĩ kiểm tra sức khỏe, điều chỉnh thuốc, liều lượng phù hợp từng giai đoạn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng lâu một đơn thuốc kéo dài.
Xem thêm: 5 việc quan trọng người cao huyết áp cần làm mỗi ngày trong mùa đông để tránh bị đột quỵ
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 sai lầm người cao huyết áp khi dùng thuốc phải tuyệt đối tránh nếu không muốn bệnh trở nên tồi tệ hơn tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].