Sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có ý kiến cho rằng, đây là phương pháp giúp các em học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đánh vần, đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Lợi - chuyên gia về ngôn ngữ học, thực ra cách đánh vần này được dạy trong cuốn sách Công nghệ Giáo dục lớp 1 (do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành).
"Đây là những vấn đề, kiến thức, khái niệm của ngữ âm học và khoa học về chữ viết. Theo các tác giả biên soạn sách, để cho học sinh hiểu sâu về cấu tạo âm tiết tiếng Việt, từ đó phát huy sức sáng tạo của học sinh, có thể và cần thiết dạy cho học sinh lớp 1 các kiến thức, khái niệm ngữ âm học. Đây là sự khác biệt giữa chương trình cải cách và chương trình dạy tiếng Việt truyền thống”- GS.TS Nguyễn Văn Lợi phân tích.
GS Lợi cũng cho biết, ông không thể đưa ra câu trả lời đánh giá tính đúng - sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình, dù chỉ giới hạn trong sự cải cách dạy học sinh lớp 1 đánh vần tiếng Việt . Bởi vì, đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá.
Thực tế, sách Công nghệ Giáo dục đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng - sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng. Là người cũng có con cháu sắp vào lớp 1, bản thân GS Nguyễn Văn Lợi cho biết mình cũng băn khoăn, dù làm trong ngành ngôn ngữ.
“Phần lớn phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học. Họ không khỏi lo lắng, hoang mang khi năm học sắp đến con cháu họ - những đứa trẻ vừa mới rời lớp mẫu giáo phải học những kiến thức khó mà đến họ cũng không biết”- GS Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn chia sẻ.
Phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của sách Công nghệ Giáo dục lớp 1 phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.
Theo PGS-TS Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục (TV1-CNGD), điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt- Ngữ văn cho biết: "Phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của tài liệu của TV1-CNGD phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu TV1-CNGD"
Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu TV1-CNGD. Phương pháp dạy học đánh vần này không thuộc nội dung được quy định trong Chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới (sắp được ban hành), cũng như Chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành). Chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
Quy định cụ thể, sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào.
Ví dụ, chương trình Tiếng Việt – Ngữ văn mới quy định, học xong lớp 1, học sinh “đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng); đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tốc độ đọc: 40 – 60 tiếng trong 1 phút; biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ; bước đầu biết đọc thầm”.
Chương trình không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến. Còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên.
Sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau.
Chắc hẳn, cuốn sách giáo khoa nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.
Theo tài khoản Facebook Nguyễn Thu Hằng đã có một vài đánh giá về sách Công nghệ Giáo dục:
1) Về cách đánh vần: Con mình học đọc và viết tiếng Việt theo cách này nên mình cũng có tý trải nghiệm.
Hồi đó lúc con bắt đầu đến tuổi học đọc và viết tiếng Việt, mình cũng định dạy con theo cách đánh vần cũ đã được học, nhưng chồng mình thì thích dạy theo phương pháp của trường Thực nghiệm. Và mình nghĩ, kiểu gì thì con cũng sẽ biết đọc biết viết nên mình rút lui kệ hai ba con dạy nhau.
Kết quả là con mình biết đọc rất nhanh, chỉ sau một tuần là tự đọc bập bẹ, sau khoảng hai tuần (học bập bõm ngày học ngày không), thì cu cậu còn biết tự "chép" chính tả qua lời ba đọc vào băng ghi âm.
Vậy là sau khoảng một tháng học bập bõm như vậy thì biết đọc biết viết cơ bản. Thằng bé nhà mình nói/đọc tiếng Việt cũng khá, ngôn ngữ cũng phong phú so với một đứa trẻ Việt Nam sống ở nước ngoài, ca dao, tục ngữ cũng hiểu và biết sử dụng một cách cơ bản... chỉ có viết thì dừng lại ở mức độ cơ bản thôi vì chưa thấy cần nâng cao.
2) Mình đã từng mua cả bộ sách Công nghệ Giáo dục để xem họ dạy thế nào.
Giờ tiếc quá mình cho mượn rồi bị thất lạc nên không xem lại được. Nhưng theo mình hiểu thì học theo Công nghệ Giáo dục là học một cách tổng hợp, trên một tổng thể, chứ không phân tách quá rạch ròi. Ví dụ ngay cả khi học trò chưa biết đọc thông viết thạo, thì cũng có thể đọc những bài thơ, nghe thầy cô giảng về thơ văn rồi...
Vì vậy mình nghĩ cách đánh vần chỉ là một phần cực kì nhỏ của Công nghệ Giáo dục mà thôi mọi người ạ.
3) Hồi trước lúc còn ở Việt Nam mình cũng đã định hướng cho con học tự nhiên, vì điều mình thích ở trường Thực Nghiệm Công nghệ Giáo dục chính là triết lý giáo dục (mỗi ngày đến trường là môt niềm vui, tức là học với niềm vui thích) và phương pháp tư duy tự chủ, suy nghĩ tự do, không (hoặc rất ít) bị áp đặt.
Vào năm 1978, nghĩ và làm được điều này, là đáng kính nể lắm. Vì vậy, sau này dù ai nói ông Hồ Ngọc Đại thế nào, mình vẫn luôn nể trọng ông ấy về chương trình cải cách giáo dục này.
4) Một điều mình rất thích nữa, đó là mình may mắn được biết mấy anh chị giáo viên của những khoá hơn chục năm đầu tiên của thực nghiệm. Mình thấy các anh chị rất giỏi, đầu óc cởi mở, nhiệt tình và yêu thương trẻ con dù hồi đó các anh chị phải làm việc gấp nhiều lần giáo viên các trường bình thường, mà lương thì không khác gì nhau.
Mình đã từng được ngồi nghe các anh chị trò chuyện về giảng dạy, về phương pháp, về những tìm tòi, về các bài thơ, về triết lý giáo dục, về sự tôn trọng học trò... mình nghe thấy lòng nhiệt huyết của các anh chị và thấy rất xúc động.
5) Điều mình không thích ở sách giáo khoa tiếng Việt của Công nghệ Giáo dục là ngôn từ chưa được trau chuốt, văn, tiếng Việt lấy ra làm ví dụ có rất nhiều chỗ không hay, viết sai, ngôn từ vùng miền ...Nên hồi đó mình đã lấy rất nhiều ví dụ, bài thơ bài văn ở chỗ khác để dạy con.
Mình cứ tưởng sau hàng mấy chục năm thì nhóm Công nghệ Giáo dục đã sửa chữa cho hay hơn rồi, không ngờ đọc một số bài trích dẫn trong mấy bài báo gần đây vẫn thấy những lỗi sai và văn vẻ mình đã gặp thời dạy con mình. Thật là rất thất vọng về điều này.
Bởi vì đối với cá nhân mình, thì sách vở, câu từ, văn thơ, ý nghĩa, nội dung các bài ... làm cho trẻ con thì phải chỉnh chu, đẹp đẽ, chuẩn mực, không thể cẩu thả được.