Bác sĩ da liễu nói về tác dụng thực sự của viên uống chống nắng

Hà Nội đang trải qua những ngày hè nắng nóng gay gắt khiến chị em lùng mua những sản phẩm chống nắng để bảo vệ làn da của mình trước các tia UV ở mức nguy hại. Một trong số đó là viên uống chống nắng. Vậy viên uống chống nắng có thực sự chống được nắng?

Rầm rộ quảng cáo 

Chỉ cần 1 click "Mua viên uống chống nắng" trên mạng thì chỉ trong vòng 0,41 giây đã cho ra hơn 19.000 các địa chỉ bán sản phẩm này.

Trong tất cả các cửa hàng bán viên uống chống nắng đều có vô vàn lời quảng cáo: "Viên uống chống nắng còn có tác động bảo vệ da tốt hơn kem bôi bên ngoài", "Chỉ 1 viên, bay liền ánh nắng", "Bí quyết của cô nàng không bao giờ lo da bị bắt nắng...".

Sản phẩm này cũng rất đa dạng chủng loại, xuất xứ trong và ngoài nước, với các thành phần khác nhau, được bán với nhiều loại giá từ bình dân tới cao cấp, từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng/vỉ/hộp.

Viên uống chống nắng có thực sự chống nắng?

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, bác sĩ Hoàng Văn Tâm (BV Da liễu Trung ương) cho biết, viên uống chống nắng bản chất được chiết xuất từ 2 thành phần chính: Nicotinamid, hoặc hoạt chất chiết xuất từ cây dương xỉ. Các hoạt chất này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, làm giảm ảnh hưởng của ánh sáng đến da.

Viên uống chống nắng chỉ có tác dụng hỗ trợ chống nắng khi sử dụng cùng các biện pháp khác.

"Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo như uống viên chống nắng không cần sử dụng các biện pháp chống nắng khác, bởi viên uống chống nắng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho các phương pháp chống nắng khác chứ không thể có tác dụng thay thế hoàn toàn.

Viên uống chống nắng sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu chị em sử dụng cùng lúc bôi kem chống nắng, mặc áo dầy, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang..." - bác sĩ Tâm cho hay.

Những ai không nên uống viên chống nắng?

Theo khuyến cáo của bác sĩ, những bệnh nhân có bệnh lý nặng hơn do ánh sáng như phát ban đa dạng do ánh sáng, mày đay ánh sáng, khô da sắc tố, khi ra nắng sẽ bị bỏng nắng, cháy nắng rất nhanh dẫn tới ung thư da thì dùng viên chống nắng có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.

Với những người đi biển, dùng kem chống nắng không đủ hoặc xuống biển kem chống nắng bị trôi hết thì nên dùng thêm viên uống chống nắng, hỗ trợ giảm nguy cơ bị bỏng nắng.

Với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, không nên uống viên uống chống nắng mà khuyến cáo chung là bôi kem chống nắng, sử dụng chống nắng vật lý như mặc áo dài tay, đội mũ, đeo kính, bịt khẩu trang...

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan