Hiện nay, khi mạng xã hội lan truyền thông tin trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 mới vắc xin ComBE Five có biểu hiện sốt cao kéo dài, có nhiều phản ứng bất thường khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng, dè chừng.
Vì sao trẻ sốt cao sau tiêm chủng vắc xin
Với trẻ nhỏ tiêm vắc xin, thông thường đều có biểu hiện sốt, sưng, đau… Bởi vì, vắc xin tương tự thuốc nên có khả năng gây ra tác dụng phụ, phần lớn tác dụng này là nhẹ, thoáng qua.
Riêng với vắc xin ComBE Five - vắc xin 5 trong 1 phòng ngừa bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, hib. Trong số đó, thành phần ho gà của vắc xin ComBE Five là ho gà toàn tế bào được tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ.
Vì vậy hầu hết trẻ tiêm vắc xin này đều gặp triệu chứng sốt trên 38 độ C, sưng đỏ, quấy khóc, mệt mỏi, ăn uống kém… vì thành phần ho gà toàn tế bào đã gây phản ứng tại chỗ nhiều hơn.
Nhưng điều đó cũng có một ưu điểm quan trọng là vì kháng nguyên toàn tế bào cho nên vắc-xin ho gà toàn tế bào kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn.
Theo các chuyên gia, việc trẻ sốt khoảng 38 độc C - 38,5 độc C sau tiêm vắc xin, sau đó tự hết là biểu hiện cơ thể đang phản ứng tốt với vắc xin, bảo đảm tạo được kháng thể dồi dào sau chích.
Vì vậy, trong báo cáo, Bộ Y tế nhận định tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại sao có trẻ không sốt sau tiêm vắc xin?
Một số phụ huynh thắc mắc vì sao trẻ lại không bị sốt sau tiêm vắc xin 5 trong 1, lí giải về vấn đề này, TS.Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi tiêm phòng, việc bé có sốt hay không, sốt nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi trẻ.
Trường hợp trẻ không bị sốt không có nghĩa là thuốc không có tác dụng, mà là do bé có sức đề kháng tốt nên khi tiêm phòng về bé sẽ không bị sốt hay chịu phải những phản ứng không mong muốn khác. Cơ địa trẻ chịu được tức là trẻ khỏe mạnh.
Trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc xin là một phản ứng phụ không mong muốn của thuốc. Tình trạng này xảy ra ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm, khả năng miễn dịch kém.
Khi cơ thể chưa thích ứng được với vắc xin tiêm vào, trẻ sẽ bị sốt sau khi tiêm vài giờ, thậm chí là 72 giờ sau đó. Phản ứng này thường là nhẹ và tự khỏi vài ngày sau khi tiêm.
Dấu hiệu báo hiệu trẻ phản ứng nặng, nguy hiểm sau tiêm vắc xin
Theo PGS. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác. Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ.
Trong thời gian này nếu trẻ có các biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến viện ngay lập tức:
- Sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.
- Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lờ đờ…
- Khó thở, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch.
- Da nổi vân tím, chi lạnh.
- Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú.
- Co giật.
- Phát ban.
- Trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe khiến cha mẹ lo lắng.
Khi quan sát thấy con có dấu hiệu kích thích, lờ đờ, cha mẹ cần đưa đi viện ngay. Khi da bé nổi vân tím, chi lạnh mới đưa vào viện thì đã muộn.
Bên cạnh đó, không tự ý sử dụng thuốc cho bé tại nhà, mà uống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Khi trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo…