Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao gấp 30 lần so với người không bị HIV.
Lý giải về nguyên nhân gây ra thực trạng này, ThS.BS Nguyễn Hữu Trí, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ rõ: Khi người nhiễm HIV bị nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn, HIV gây suy giảm miễn dịch cơ thể, do đó tạo điều kiện làm bùng phát bệnh lao. Đó là lý do làm người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao gấp 30 lần so với người không nhiễm.
Cũng chính vì vậy mà bệnh nhân lao nhiễm HIV có chiều hướng diễn biến nhanh hơn, nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề hơn trong chẩn đoán và điều trị.
Bác sĩ Trí cho biết, bình thường các triệu chứng của bệnh lao hay gặp là gầy sút, sốt nhẹ, ra mồ hôi đêm, đau vùng ngực, đau lưng, ăn kém và ho kéo dài trên 3 tuần. Nhưng nếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị mắc lao thì có thể triệu chứng của bệnh lao sẽ bị lu mờ hoặc không điển hình như sốt mà không ho, bị lao hạch vùng nách, cổ...
Một điều khó khăn trong quá trình điều trị nữa là bệnh nhân lao đơn thuần thường tuân thủ rất tốt các chỉ định và lời khuyên của bác sĩ, trong khi nhiều người nhiễm cả lao và HIV sự tuân thủ có phần chệch choạc hơn.
Bởi họ nghĩ đồng mắc cả 2 bệnh nguy hiểm sẽ khó thoát khỏi “án tử hình”. Hơn nữa, không ít người đồng mắc lao - HIV tự kỳ thị mình, họ cảm thấy tự ti, tính hợp tác để điều trị bệnh của bệnh nhân rất kém. Bệnh nhân có thể không hợp tác điều trị hoặc bỏ điều trị, điều này dẫn đến nguy cơ kháng thuốc cao và bệnh không thuyên giảm. Những quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm.
Thực tế thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân bị đồng nhiễm lao – HIV, bác sĩ Trí nhận thấy, chỉ cần người bệnh tin tưởng bác sĩ, tuân thủ quy trình điều trị, uống thuốc đúng - đủ - đều theo phác đồ điều trị hiện đại thì có thể kéo dài sự sống, sống khỏe mạnh như những người không có bệnh.
Những người nhiễm HIV mắc lao có thể được điều trị khỏi bệnh lao, có nghĩa là cuộc sống của họ sẽ được kéo dài hơn nhiều và họ có quyền tận dụng nó để sống lành mạnh, có ích, hướng vào những mục đích tốt đẹp.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Bởi, không ít trường hợp bệnh nhân HIV mắc lao thường ở giai đoạn cuối, khi điều trị phải dùng cả thuốc lao và HIV, hai nhóm thuốc này có thể xuất hiện những bất lợi không mong muốn như dị ứng thuốc, suy gan, suy thận…
Điều đó làm cho thể trạng của bệnh nhân rất kém, suy kiệt, gầy yếu. Việc dung nạp thuốc của nhóm bệnh nhân HIV điều trị lao sẽ xảy ra, việc điều trị hiệu quả cũng bị hạn chế nhiều.
Do đó, trong quá trình thực hành, bác sĩ phải theo dõi rất sát và xử lý những biến cố bất lợi của hai nhóm thuốc này xuất hiện ở trên cùng một bệnh nhân. Đó là một khó khăn lớn trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh lao cho nhóm bệnh nhân HIV.
Vì vậy, việc khám sàng lọc lao ở người nhiễm HIV rất quan trọng, nếu mắc lao thì được điều trị kịp thời, nếu không mắc lao có thể được điều trị dự phòng lao, giúp tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ.