Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra kỳ vọng xóa bỏ HIV-AIDS vào năm 2030, tuy nhiên đầy là một mục tiêu đầy thách thức.
Khái niệm “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” (AIDS - Acquired immune deficiency syndrome) do bác sĩ người Mỹ Michel Gotlieb đưa ra đầu tiên vào năm 1981, như vậy hội chứng này đã có “tuổi đời” gần 40 năm. Quá trình đấu tranh với đại dịch này có nhiều bước thăng trầm.
Nhiễm HIV ở người được WHO xem như là đại dịch và căn bệnh này thực sự đã để lại những hậu quả nặng nề ở nhiều quốc gia.
Các quốc gia Châu Phi là minh chứng rõ rệt cho việc HIV/AIDS làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm gánh nặng của nghèo đói. Trong năm 2005, ước tính ở châu Phi có khoảng 90 triệu người bị nhiễm HIV, kết quả là một ước lượng tối thiểu sẽ có 18 triệu trẻ mồ côi.
Điều trị bằng thuốc kháng virus có thể làm giảm cả hai tỉ lệ tử vong và bệnh tật ở người nhiễm HIV. Tuy nhiên, bệnh nhân phải sử dụng thuốc hàng ngày, đây là một gánh nặng kinh tế không hề đơn giản với các quốc gia nghèo.
Hầu hết những người nhiễm HIV sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS trong vòng 10 năm sau khi nhiễm (thời gian chuyển sang AIDS sẽ thay đổi tùy thuộc vào sự tác động của các virus, cơ thể vật chủ, và yếu tố môi trường...).
Ngay cả khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS, người bệnh sẽ vẫn có thể kéo dài thời gian sống nếu được uống thuốc kháng virus đầy đủ. Nếu không có thuốc, bệnh nhân AIDS thường sẽ chết trong vòng 1 năm.
Theo một báo cáo của Tổ chức Liên hợp quốc về AIDS-UNAIDS, công cuộc chiến đấu chống dịch bệnh thế kỷ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, UNAIDS cho rằng họ thiếu 20% nguồn tài trợ mà dự án của họ cần để đáp ứng mục tiêu kiểm soát dịch bệnh này vào năm 2020.
Nguyên nhân của việc thiếu hụt là do nhiều nước cắt giảm nguồn tài trợ cho dự án của UNAIDS.
Hoa Kỳ là nước đóng góp nhiều nhất cho dự án này, tuy nhiên chính quyền của tổng thống Donald Trump đã đe dọa cắt giảm tài chính mà họ cam kết tài trợ. Dù đề xuất này không được Quốc hội thông qua, nhưng nó gây ra mối lo ngại sâu sắc. HiệnHoa Kỳ đóng góp nhiều gấp 8 lần nhà tài trợ hàng đầu thứ hai, Vương quốc Anh. Vì vậy, chỉ một phần nhỏ thay đổi trong hỗ trợ của Mỹ sẽ được cảm nhận sâu sắc.
Ngoài ra, nếu Hoa Kỳ giảm đáng kể kinh phí cho các phản ứng của AIDS, các nước khác có thể làm theo trong một hiệu ứng domino, từ đó dẫn đến một sự hồi sinh chết người của HIV trên toàn thế giới.
Trường hợp đại dịch AIDS quay trở lại hoành hành ở Nga cho thấy căn bệnh này không chỉ là mối lo ở các nước đang phát triển.
UNAIDS thống kê trong vòng 5 năm (2010-2015) Nga đã ghi nhận chiếm hơn 80% ca mắc mới HIV so với toàn bộ khu vực Đông Âu và Trung Á.
Theo số liệu thống kê của Nga, đại dịch này đã tăng mức lây lan tới 10% mỗi năm trong thời gian đó. Số người mắc chủ yếu nằm trong nhóm tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi số ca mắc mới của Châu Âu và Bắc Mỹ giảm 9% mỗi năm, HIV-AIDS vẫn có những thay đổi đáng lo ngại ở Nga.
Việc điều trị cho căn bệnh này cũng là một vấn đề đáng lo ngai. Theo các nguồn tin từ chính phủ, cho đến cuối năm 2017, khoảng 1 triệu người ở Nga đang mắc virus HIV. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trong số họ được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Ông Michel Kazatchkine, cố vấn đặc biệt của UNAIDS ở Đông Âu và Trung Á, cùng với các đồng nghiệp của ông cho rằng con số thực sự những người mắc HIV ở Nga phải lên tới 2 triệu người. Họ đưa ra con số đáng kinh ngạc như vậy dựa trên căn cứ: vào năm 2013, chỉ ½ số người mắc HIV ở Nga biết được mình đã mắc bệnh (!).
Một điểm yếu nữa trong ngăn chặn dịch bệnh thế kỷ ở Nga là các chiến dịch ở đây thiếu sự tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao, như người đồng tính hoặc nghiện hút.
Không có một chương trình nào của Nga cung cấp thuốc kháng virus (ARVs) cho nhóm đối tượng này. Đây là những đối tượng được đặc biệt quan tâm, hỗ trợ trong phòng chống HIV-AIDS ở Tây Âu, Úc và Mỹ.