Uyên Bùi và cách dạy con Unschooling: Để trẻ có thể học mọi thứ trên đời hay thứ duy nhất mình thích

Trẻ không phải dự thi, không cần bằng cấp, không cần đánh giá hay chứng nhận của bất cứ một trường học nào cả.

Gặp Uyên Bùi trong buổi ra ấn bản mới nhân dịp cuốn “Để con được ốm” đã bán được 100.000 bản, bà mẹ toàn thời gian với mái tóc tém hồng thoải mái chia sẻ về hành trình 6 năm làm mẹ của mình và bày tỏ quan điểm giáo dục con theo hướng Unschooling.

Năm nay, bé Mật Ong nhà chị lên 6 tuổi – độ tuổi các bé vào lớp 1. Gia đình chị đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Hai vợ chồng tôi và con đã thống nhất với nhau, Mật Ong sẽ không đi học các cấp như các bạn đồng lứa. Bé sẽ bắt đầu hành trình Unschooling và trở thành cô bé Unschooler.

Tuổi lên 6 của con chỉ có một mục tiêu rất đơn giản là học đọc, để tự đọc hết toàn bộ sách và hướng dẫn ở khắp mọi nơi mà không phải nhờ đến bố mẹ nữa. Đó là nhu cầu tự thân của con và chẳng có áp lực đến trường nên chúng tôi thong thả lắm. (cười)

Xuất phát từ đâu mà chị muốn con đi theo hướng Unschooling?

- 26 tháng tuổi, lần đầu tiên con đi học mầm non. Đó là ngôi trường tôi đã cẩn thận lựa chọn kỹ càng và mất đến 2 ngày để trò chuyện cùng các cô phụ trách nhân sự cũng như giáo viên phụ trách lớp con mình về cách thức giáo dục một đứa trẻ được tôn trọng trong mọi vấn đề từ bé như Mật Ong.

28 tháng tuổi, con được lựa chọn từ chối việc đến trường sau khi chúng tôi phát hiện ra con bị cô giáo phạt bằng cách khẽ tay gõ vào đầu sau cuộc trò chuyện của con với bạn mình.

Chúng tôi hiểu rằng trách móc hay mắng mỏ cô giáo hay dẫu có viết hàng trăm hàng ngàn bài lên án trường học hay nền giáo dục không phải là cách để giải quyết vấn đề khi người ta vẫn còn viện dẫn lí do để biện minh cho nhau và lẫn nhau.

Chúng tôi chỉ đơn giản đưa ra quyết định để thực hiện quyết tâm đã nung nấu kể từ khi con được sinh ra: Unschooling.

Tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm với việc chăm sóc cũng như giáo dục con thay vì trông chờ vào nền giáo dục nào đó. Tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm cho việc lớn lên cùng con và lựa chọn thầy cô giáo cho con thay vì trao điều đó vào tay trường học.

Theo Uyên Bùi, Unschooling là trẻ học không theo một giáo trình nào cả, thích gì học nấy, tò mò điều gì thì tìm hiểu cái nấy,...

Trẻ có thể học tất cả mọi thứ trên đời, nhưng cũng có thể chỉ học một thứ duy nhất mà mình thích. Trẻ không phải dự thi, không cần bằng cấp, không cần đánh giá hay chứng nhận của bất cứ một trường học nào cả.

Và trẻ học đúng những gì trẻ muốn và trẻ thích tùy theo nhu cầu học của bản thân. Trẻ được tự do theo đuổi đam mê của mình và được rèn luyện để thành nghề kiếm sống. 

 Vì sao vợ chồng chị và con không thử tìm tới một ngôi trường khác?

- Tôi nghĩ, dù có chuyển con tới trường nào thì đó vẫn là môi trường giáo dục có nội quy chung, vẫn là một cách giáo dục giống nhau.

Mỗi đứa trẻ đều có lịch trình sinh hoạt khác nhau, khi đưa các con vào cùng một nơi thì việc xảy ra mâu thuẫn là tất yếu. Có thể lịch trình trường học đưa ra phù hợp với số đông các bạn nhỏ nhưng con tôi bị lệch hoàn toàn khỏi đó. 

Điều này được bé Mật Ong hợp tác như thế nào?

- Mật Ong là một cô bé được tôn trọng, được khuyến khích phát triển cái tôi cá nhân và tự quyết định mọi điều ngay từ bé. Con nhận thức và biết lý do vì sao lựa chọn Unshcooling.

Nếu con muốn, con sẽ chủ động nói “Con muốn được đi học”. Ví dụ như con bày tỏ mong muốn được đi học nhảy, học Tiếng Anh, học bơi…

Chúng tôi vẫn luôn hỏi con: “Con có muốn đến trường không?”, “Con có muốn đi học như các bạn không?”, Mật Ong nói “Con chỉ muốn đến trường, gặp bạn bè để chơi thôi!”

Con cũng lựa chọn đời sống tinh giản cùng bố mẹ, đi đây đi đó, tìm hiểu điều này, học hỏi điều kia thay vì đến trường học với việc sinh hoạt chung một thời khoá biểu theo một chương trình được định sẵn dành cho các bạn nhỏ.

Để con không đi học các cấp, chị suy nghĩ như thế nào về chuyện bằng cấp?

- Mọi người vẫn luôn nói “Nếu con không đi học thì bằng cấp của con sẽ thế nào?”. Tôi thắc mắc, bao nhiêu người đi học mà sử dụng tới bằng cấp để làm việc, kiếm sống?

Với tôi, mục tiêu của giáo dục là trang bị đủ kiến thức và năng lực để mỗi người có thể tự lo cho cuộc sống của mình.

Trường học không phải là nơi duy nhất giúp chúng ta có được những điều đó. Điều tôi quan tâm là con mình có năng lực hay không, có đủ tốt để lo được cho cuộc sống của con hay không?

Tuy nhiên, giáo dục theo cách truyền thống vẫn có giá trị riêng. Chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ, mỗi người sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh. Tôi lựa chọn hình thức giáo dục dựa trên 3 tiêu chí phù hợp: tính cách của con, lịch trình sinh hoạt của con và hoàn cảnh của gia đình tôi.

Kinh nghiệm truyền thống vẫn có những giá trị rất đáng để học hỏi nhưng không phải mọi thứ đều đúng.

Tôi tin chúng ta luôn có quyền được lựa chọn, chọn tiện cho mình hay chọn tốt cho con là tuỳ vào mỗi người. Chỉ vậy thôi!

Chị có nghĩ con sẽ phát triển được nhiều hơn khi không đến trường?

- Tôi quan niệm, một đứa trẻ được học đúng quan trọng hơn việc học nhiều. Nên tôi không nghĩ việc con không đến trường sẽ giúp con phát triển nhiều hơn mà điều này giúp con mở mang tầm nhìn hơn, giúp con có cơ hội quan sát và tự đúc rút vấn đề và ghi nhớ theo cách của con.

Con sẽ có nhiều thời gian học từ thực tế thay vì lý thuyết trong sách vở. Tôi nghĩ con hơn các bạn đi học ở trường là con có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.

Để tăng khả năng khám phá và tìm tòi của con, chị đã khuyến khích con như thế nào?

- Với những điều con làm được, tôi không dạy mà con tự học. Điều duy nhất tôi có thể làm là không ngăn cản con, thay vào đó khuyến khích và hướng dẫn cho con. Tôi nhận thấy, nếu không cố gắng, bố mẹ sẽ dễ trở thành rào cản thay vì hỗ trợ con phát triển.

Tôi chú trọng đến việc con yêu thích việc đọc sách. Việc này đặt nền tảng quan trọng cho khả năng tự học và chủ động tìm kiếm kiến thức khi con lớn lên, chứ không phải gánh chịu hậu quả của nền giáo dục “thụ động” như tôi đã phải trải qua.

Bên cạnh đó, tôi ưu tiên cho con được chơi trong không gian thiên nhiên với cỏ cây hoa lá, để con tự mình khám phá những điều mới mẻ, học hỏi những kỹ năng vận động.

Rồi sau đó là dạy cho con các kỹ năng đầu đời: ăn uống, vệ sinh và chăm sóc cá nhân như tự đánh răng, tắm rửa, cởi giày dép, thay quần áo,… các phép giao tiếp xã hội như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi,…

Tiếp theo, tôi khuyến khích con giúp bố mẹ những việc nhà cơ bản như quét nhà, rồi đến các kiến thức chăm sóc sức khoẻ. Sau cùng, theo giai đoạn nhạy cảm ngôn ngữ hay toán học của con mà dạy con học chữ hay học số khi con thấy thích thú với điều đó.

Sự khác biệt lớn nhất chị nhận ra khi không để con đến trường là gì?

- Khi dành nhiều thời gian ở cạnh con, tôi nhận ra khả năng sáng tạo của con là vô cùng. Chỉ có người lớn chúng ta mới làm theo công thức rập khuôn chứ con luôn muốn làm mới mọi thứ.

Thường các bạn nhỏ ít có cơ hội làm những điều mình muốn, luôn có giới hạn và chính người lớn tự đặt ra cho con mình những giới hạn khiến khả năng sáng tạo của con bị kìm hãm. Việc con không đến trường sẽ phá bỏ được giới hạn đó.

Con sẽ tiếp xúc được nhiều thứ và tôi dễ dàng nhìn thấy được niềm yêu thích của con mình. Ví dụ, tôi nhìn thấy con đam mê nấu ăn, thích ẩm thực, thích chế biến mọi thứ theo cách của mình…

Những ngày bạn bè chăm chỉ đến trường, con chăm chỉ đi chơi. Những ngày bạn bè tất bật chuẩn bị cho lễ bế giảng, con đang bơi ngoài biển.

Con không có dịp để tham dự ngày khai giảng, tựu trường hay bế giảng; không mặc đồng phục, không khoác lên người bộ đồ tốt nghiệp các cấp; không cả bằng cấp chứng nhận; không luôn những bài phát biểu được học thuộc lòng rồi lặp lại trên sân khấu.

Con chỉ có những thiên nhiên xanh mướt, những quãng đường xa, những ngày đầy nắng cũng như những ngày đầy mưa, những ngày đầy niềm vui và cũng đầy những nỗi buồn bã chia ly; thứ khoác lên người luôn là đơn giản nhất, thoải mái nhất để mặc sức được vui chơi với gió trời, với mưa sa; thứ chứng nhận duy nhất là làn da nâu giòn ngày càng “nâu như màu suy nghĩ”.

Con luôn nhìn thế giới rực rỡ và hiền hoà, hào hứng và điềm tĩnh, vui thú và an lành. Con luôn phấn khích với cuộc đời này, ngay cả với những điều mà chúng tôi cảm thấy không mấy thú vị.

Tôi nhận ra, con không phải là thiên tài nhưng con có cả thế giới để học hỏi, để khám phá, để tìm hiểu và để đào sâu vào tận gốc rễ của vấn đề, để biết cách đặt ra những câu hỏi lớn và tìm kiếm câu trả lời cho nó, để không nhìn vấn đề hời hợt, để không vội vã lên tiếng về điều mình không thật sự biết, để biết yêu thương những điều nhỏ nhặt giản dị nhưng lại ngập tràn ý nghĩa trong đời.

Chị suy nghĩ về quyết định trở thành một bà mẹ toàn thời gian từ bao giờ?

- Khi mang bầu ở những tháng đầu tiên, tôi đã bắt đầu suy nghĩ khi sinh con ra mình sẽ chăm sóc và nuôi dạy con như thế nào. Con chỉ có khoảng 6 năm tuổi thơ và đó cũng là thời gian con cần cha mẹ nhất.

Trong đó, chúng ta dành 2 năm cho việc ngủ nghỉ, 4 năm còn lại, chúng ta mất mỗi ngày 2 tiếng cho nhu cầu sinh hoạt.

Như vậy, thời gian thực sự dành cho con không còn nhiều. Hơn nữa, bắt đầu từ 7 tuổi, con sẽ bớt nhu cầu ở cạnh bố mẹ, dần dần con sẽ xa khỏi vòng tay của bố mẹ.

Tôi nghĩ nên dành tối đa thời gian để lớn lên cùng con. Khi tôi nghĩ tới điều đó, tôi quyết định nghỉ việc, trở thành mẹ toàn thời gian.

Vậy thì, chị có bị áp lực nhiều không, đặc biệt từ khi quyết định để con Unschooling?

- Tôi có áp lực chứ! Bất cứ gia đình nào cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính khi có con. Với gia đình tôi, việc tôi trở thành một bà mẹ toàn thời gian thì áp lực tăng lên gấp nhiều lần.

Bởi, khi tôi dành nhiều thời gian cho con thì đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải giảm thời gian dành cho công việc. Tôi phải cắt giảm nhu cầu của cá nhân và suy nghĩ về việc ưu tiên cho điều gì.

Mọi người thường xuýt xoa kiểu "thích quá nhỉ, được ở nhà ôm con, chơi với con". Ồ không! Chúng tôi cần được hiểu đúng như thế này: làm công việc kiếm sống, kiêm công việc của giáo viên/gia sư (một môn nào đó hoặc nhiều môn nào đó), kiêm công việc "bạn của trẻ" và kiêm công việc bố/mẹ.

Vậy làm thế nào để chị cân bằng được điều đó?

- Mỗi ngày, chúng ta đi làm 8 tiếng đồng hồ và chỉ dành cho con khoảng 4 tiếng. Trong suốt 8 tiếng làm việc đó, chúng ta chỉ nghĩ về việc làm mẹ.

Trở thành một bà mẹ toàn thời gian, việc chơi với một đứa trẻ khiến năng lượng nhanh bị cạn kiệt bởi chúng ta chơi với trẻ con như một đứa trẻ con mà chúng ta lại không có nhiều năng lượng như chúng.

Dù con chơi một mình nhưng sẽ chơi trong không gian có cả bố mẹ. Nếu tôi bận thì tôi sẽ nói với con “Hôm nay mẹ phải làm việc, mẹ cần tập trung nên con hãy chơi một mình nhé!”. Thường khi nào tôi bận thì chồng sẽ chơi với con và ngược lại. Chúng tôi luôn cố gắng không để con chơi một mình.

Dù áp lực nhưng chị vẫn công khai để mọi người biết được cách dạy con của mình…

- Tôi không phải là người đầu tiên không cho con đến trường nhưng là người đầu tiên dám công khai điều này. Đơn giản, tôi nghĩ câu chuyện của gia đình tôi sẽ giúp phụ huynh có thêm sự lựa chọn.

Tôi muốn tự mình chịu trách nhiệm cho việc tạo điều kiện tốt nhất cho con khôn lớn và tạo môi trường học tốt nhất để con có thể tự chọn bạn mà chơi mà học cùng nhau một cách thật vui vẻ thay vì than van cho việc “không có lựa chọn”.

Chồng chị chia sẻ áp lực với chị như thế nào trên hành trình này?

- Tôi nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ người chồng của mình. Khi con lên 2 tuổi, chồng tôi cũng quyết định nghỉ công việc toàn thời gian của anh ấy để dành nhiều thời gian hơn cho con.

Chồng tôi cũng nhận ra, khoảng tuổi thơ ngắn ngủi của con sẽ trôi đi nhanh chóng. Chúng tôi đồng chí hướng trong việc nuôi dạy con.

Bài học làm cha mẹ lớn nhất mà vợ chồng chị có từ khi bé Mật Ong xuất hiện là gì?

- Con trẻ sinh ra là con trẻ, chỉ có chúng ta phải học làm cha mẹ. Không có ngôi trường nào trên đời dạy chúng ta cách làm cha mẹ cho tới khi con ra đời.

Khi con ra đời, chúng cho bố mẹ cơ hội biết mỗi người đều từng là một em bé và lớn lên như thế nào, chúng ta từng khao khát điều gì khi còn là những đứa trẻ và cách nhìn thế giới theo ánh mắt trẻ con.

Con dạy cho tôi về khả năng tự học một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Và giờ, con dạy cho tôi về nhiều điều mà chúng tôi đã dần lãng quên trong cuộc sống, như là việc trò chuyện với một người bạn mới. Cho nên, người ta thường nói, khi có con là lúc chúng ta được tái sinh.

Tôi rất thích một câu nói trong cuốn Hoàng tử bé: “Tất cả người lớn đều từng là trẻ con” nhưng rất ít người trong số chúng ta nhớ được điều đó. Và vì thế, chúng tôi mong sẽ nắm tay con thêm 10 năm nữa nhé, để chúng tôi hiểu rằng con đã dạy chúng tôi cách trưởng thành như thế nào.

Chị suy nghĩ như thế nào về việc bố mẹ so sánh con mình với con nhà người khác?

- Người Việt có thói quen đặt ra câu hỏi tại sao con nhà hàng xóm cao hơn, thông minh hơn... con mình mà không hỏi ngược lại con mình có những ưu điểm gì?

Mọi người luôn nhìn vào con nhà hàng xóm thay vì nhìn vào con mình. Trong khi, cốt lõi của giáo dục chính là nhìn vào con mình.

Tôi không bao giờ nhìn vào đứa trẻ khác để so sánh. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và tôi luôn tin mỗi đứa trẻ đều có một khả năng khác nhau và nếu được khuyến khích sẽ phát triển được tốt nhất; mỗi đứa trẻ đều sẽ lớn lên tử tế khi được thụ hưởng nền giáo dục tôn trọng và yêu thương.

Con lớn lên trong vòng tay của chúng ta, thụ hưởng nền giáo dục của chúng ta thì không thể nào đem con mình so sánh với con nhà người khác.

Việc chăm sóc và nuôi dạy con, chị có bị ảnh hưởng bởi ai không?

- Với tôi, việc nuôi con trách nhiệm thuộc về cha mẹ nhưng bằng một cách kỳ diệu nào đó, nó đã trở thành trách nhiệm của cả ông bà hai bên. Không ít ông bà đã tước đoạt và cho mình quyền can thiệp vào việc nuôi dạy con của bố mẹ.

Trong gia đình tôi, ông bà nội ngoại áp dụng phương thức truyền thống trong khi tôi là một bà mẹ phi truyền thống. Vì thế, tôi cần có thời gian để trò chuyện với ông bà, bày tỏ mong muốn của mình trong việc nuôi dạy con.

Tôi đã nói chuyện bố mẹ hai bên rằng, con và chồng được lớn lên trong sự chăm sóc và nuôi dạy của bố mẹ, vậy thì chúng con xin phép bố mẹ cho chúng con quyền chịu trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con theo cách của chúng con.

Giữa bạt ngàn phương pháp nuôi dạy con, chị cân bằng giữa nhiều phương pháp nuôi dạy con và thực tiễn như thế nào?

- Mọi người hay đọc sách rồi áp dụng cho con mình nhưng họ quên mất rằng điều đầu tiên là cần nhìn xem con của mình như thế nào. Từ đó, kết hợp với những phương pháp phù hợp để tìm ra điều gì tốt nhất cho con của mình.

Từ khi Mật Ong biết nói, con đã luôn tự tin và bảo vệ lựa chọn của mình đến cùng cho đến khi con nhận ra quyết định của mình không đúng lắm, con sẽ chọn cách khác và tiếp tục bảo vệ lựa chọn đó đến cùng.

Vì vậy, chúng tôi luôn nhìn nhận con là một con người độc lập, con cần được tôn trọng và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khi đó, con mới có khả năng tự trưởng thành và trở thành người tử tế.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc bé Mật Ong có một hành trình Unschooling thú vị! 


Tin liên quan