Phát hiện bị ung thư vú từ 2 năm trước nhưng bà Nguyễn Thị Tâm T (Hà Nội) từ chối điều trị theo phác đồ của bác sĩ bệnh viện K, về nhà tự điều trị nên bệnh ngày càng nặng.
TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú, bệnh viện K chia sẻ: Bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân ung thư vú đã bị di căn, sưng tấy, lở loét sau khi tự điều trị tại nhà.
Theo đó, tháng 8/2017 thấy có dấu hiệu bất thường ở vú, đi kiểm tra thăm khám bệnh nhân Nguyễn Thị Tâm T. (61 tuổi, Hà Nội) tới bệnh viện K thăm khám và được chẩn đoán ung thư vú trái T2N3M0. Sau khi các bác sĩ tư vấn, bệnh nhân T đã điều trị với phác đồ truyền hóa chất 4AC-4T.
“Sau khi điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, đầu năm 2018 bác sĩ chỉ định và tư vấn để bệnh nhân T phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách theo phác đồ. Tuy nhiên, bệnh nhân T đã từ chối phẫu thuật tại bệnh viện" - bác sĩ Quang cho hay.
Bệnh nhân T chia sẻ: "Bác sĩ chỉ định phẫu thuật khối u nhưng tôi lại sợ đụng chạm dao kéo sẽ khiến khối u di căn nên tôi từ chối. Về nhà, tôi tự điều trị ung thư vú theo một số lời mách của mọi người quen biết đã tự rèn luyện cơ thể kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng để mong muốn khối u nhỏ lại. Thế nhưng khối u ngày càng sưng to, lở loét".
Sau vài tháng tự điều trị ung thư vú tại nhà, đến tháng 3/2019, khối u vú của bà T không những nhỏ đi mà còn to lên nhanh và nhô cao, kèm theo đau đầu thường xuyên, thể trạng suy kiệt giảm 8kg, lúc này bệnh nhân mới trở lại Bệnh viện K.
Khối u nhô cao khoảng hơn 10cm khiến bệnh nhân T. phải cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân gần như chỉ dùng tay phải để làm việc vì tay trái luôn phải giữ để áo không chạm vào khối u.
“U vú trái 8x12cm xâm nhiễm da, dính cơ ngực, sưng tấy đỏ, lở loét, chảy máu và có thể vỡ bất kỳ lúc nào, nếu không phẫu thuật sớm mà u vỡ sẽ gây mất máu, mùi hôi khó chịu, nhiễm trùng, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tâm lý người bệnh” – TS Quang cho biết trong lúc hội chẩn trước phẫu thuật.
Do đó, ngày 21/08 ekip mổ là các bác sĩ khoa Ngoại vú, Bệnh viện K gồm TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa; ThS. Hoàng Anh Dũng và BS Bùi Anh Tuấn đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u kích thước 8x12cm, cắt toàn bộ tuyến vú, và một phần cơ ngực vét hạch nách cho bệnh nhân T.
Chia sẻ sau ca phẫu thuật, TS Quang cho biết sẽ đánh giá lại tình hình sức khỏe để tiếp tục đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân T.
BS.TS Lê Hồng Quang cho hay, trường hợp bệnh nhân T là một trong số nhiều bệnh nhân bất chấp cảnh báo của bác sĩ, tự điều trị ung thư tại nhà dẫn tới hậu quả nặng nề.
Nếu từ đầu năm 2018, sau khi điều trị hóa chất xong bệnh đáp ứng tốt, bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị và phẫu thuật sau đó xạ trị thì cơ hội điều trị ổn định rất cao.
Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú.
Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau sạch kinh 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
Ngoài ra người bệnh nên tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nam, đắp lá, thực dưỡng, hay sử dụng sản phẩm chức năng... không phải là phương pháp khoa học có tác dụng điều trị ung thư.
Việc tự ý điều trị sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tiền mất tật mang, khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị, ung thư sẽ phát triển đến giai đoạn muộn dẫn tới việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị.