Trường Lương Thế Vinh ngày thầy Văn Như Cương đi mãi: Từ nay không được nghe tiếng thầy...

Thầy Văn Như Cương qua đời nhưng đâu đó, giọng nói trầm ấm của thầy vẫn văng vẳng trên từng hành lang và sân trường. 'Bài ca Lương Thế Vinh' hằng ngày vẫn đậm đặc tình yêu thương của thầy và trò nơi đây.

 

Tiếng trống trường vang lên lúc 11 giờ 45 phút báo hiệu tiết dậy và học thứ 5 của cô trò trường THPT Lương Thế Vinh kết thúc.

Những chiếc áo sắc đỏ rực đằng trước in hình ngôi sao năm cánh, phía sau ghi chữ ‘Trường Lương Thế Vinh Hà Nội' ùa ra từ các lớp học.

Nắng tràn vào từng hành lang mỗi khu lớp học, từng khoảng sân trống. Những cơn gió nhẹ hiu hiu lay đám hoa giấy trên lan can và từng chậu hoa được treo trên đó.

Các em học sinh, mỗi đứa một vẻ toả đi các hướng, một mình hoặc đi thành tốp. Một số cậu nhóc ngồi lại ghế trước lớp học hay đứng chống cằm nhìn xa xăm... Các em mới biết tin sáng nay ‘Thầy Văn Như Cương mất rồi!’

 

Hôm nay trường không chào cờ

Như thường lệ, cứ 7 giờ 20 phút sáng thứ 2 hàng tuần, cả trường tập trung ở sân để thực hiện nghi thức chào cờ.

Thế nhưng, hôm nay, khoảng sân được bao bọc bởi các dãy học đó vắng lặng, phủ lên một màu buồn. Không chào cờ. Đó là thông báo được phát tới các lớp học.

Cũng ở khoảng sân này, hơn 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống ‘Bài ca Lương Thế Vinh’ vào đợt thầy nhập viện hồi tháng 3/2017. Tất cả học sinh cất cao tiếng hát của mình bằng cả trái tim yêu thương và trân trọng người thầy đáng kính.

‘Bài ca mái trường của em. Bài ca yêu thương thiết tha là mái trường Lương Thế Vinh’. Đó như những lời cầu chúc mong thầy sớm được ra viện. 

‘Trong những ngày qua, nghe tin thầy không khoẻ, chúng em có một món quà tinh thần muốn gửi tới thầy. Chúng em hy vọng rằng món quà này sẽ làm động lực tiếp thêm sức mạnh cho thầy’.

 
 
 
 
 

Không khí tiếc thương bao trùm lên từng góc trường, trong mỗi tiết học, thấm vào mỗi bài giảng của các thầy cô giáo và trong suy nghĩ của mỗi em học sinh đang theo học tại đây.

Cô bé lớp 10 Ngọc Ánh, mới bước chân vào trường được vài tháng đã rất sốc khi nghe tin thầy qua đời. Bạn cùng lớp thông báo tin buồn cho Ánh nhưng cô bé vẫn không tin cho tới khi tự đọc được thông tin qua báo chí.

Ngay từ tiểu học, Ngọc Ánh đã muốn thi vào trường Lương Thế Vinh vì rất thích thầy Văn Như Cương. Nhưng may mắn không mỉm cười với cô bé 12 tuổi năm nào.

Ngọc Ánh vẫn nuôi dưỡng ước ao được gặp trực tiếp người thầy đáng kính Văn Như Cương trong suốt những năm học cấp 2. Cuối cùng, nguyện vọng của Ánh cũng được đáp ứng bằng chính sự nỗ lực của em.

Ánh thi đỗ Lương Thế Vinh và đang là học sinh lớp 10 tại đây. Được gặp thầy 3 lần nhưng ấn tượng và kỷ niệm với thầy trong mỗi lần gặp đó chưa khi nào vơi trong lòng cô bé này.

Ngày thầy mất, ký ức đó ùa về rưng rưng nơi khoé mắt em, ‘Em tiếc quá, mới vào trường, được gặp thầy 3 lần mà thầy đã mất rồi’.

 

Đứng phía bên kia cánh cổng trường, cũng đang đợi người nhà tới đón, Nga biết thầy ra đi rạng sáng hôm nay qua thông báo của cô giáo dậy môn hoá.

Nga cho biết, cả lớp như lặng đi, cô giảng bài trầm hơn mọi hôm. Đến tiết 4, cô giáo chủ nhiệm vào lớp thông báo cho cả lớp biết tin buồn rồi cô cũng khóc.

Phía trong trường, giờ nghỉ trưa của các em học sinh bắt đầu với sự tự giác của mỗi em.

 
 
 
 

Ôm trước ngực cái chăn, Nguyễn Minh Quang (học sinh lớp 7V2) tiến về phía phòng ngủ của lớp mình ở cuối dãy tầng hai. Đi cùng với Quang là vài người bạn cùng khoá.

Như mọi buổi trưa trong tuần, sau khi ăn uống xong, các em học sinh khẩn trương về phòng ngủ của lớp mình. Vừa đi chúng vừa ‘khoe’ nhau xem đứa nào được thầy Văn Như Cương xoa đầu nhiều nhất, được thầy ôm và chụp ảnh cùng nữa.

Khuất Hồng Ngọc (học sinh lớp 7V5) khoe được thầy xoa đầu một lần và được cả thầy vỗ vai động viên trong lần thầy về thăm trường gần đây. Học cùng lớp với Ngọc, Hoàng Gia Nam được thầy ôm vỗ về ‘học ngoan con nhé’.

Cậu bé Đỗng Vũ Anh Thư vỗ ngực, tớ được chụp ảnh với thầy rồi. Còn Nguyễn Trường An bé bỏng nhất lớp, thầy đến bên, vỗ vai ân cần ‘Con phải ăn nhiều cho chóng lớn, có sức để còn học’.

Rồi chúng cùng nhau thất thểu đi về phía phòng ngủ của lớp mình. Để 12 giờ 50 thức giấc, tiếp tục những giờ học buổi chiều như mọi ngày.

  
 

 

 
 
 

Mùa khai giảng sau không còn được nghe tiếng thầy nữa

Ngồi ghế hành lang trông ra khoảng sân, Vũ Khải Minh (học sinh 9V4) chia sẻ, Minh nhớ nhất những bài phát biểu của thầy trong ngày khai giảng.

Giọng thầy ấm áp, chân thành vang lên qua loa trường, lòng Minh dâng lên niềm tự hào vô cùng vì được học dưới mái trường này.

Minh biết tin thầy mất từ sáng sớm tới trường. Trưa nay Minh không ngủ. ‘Thế là từ nay em và các bạn không còn được nghe giọng của thầy nữa’, Minh nhìn lên phía có bục phát biểu trầm ngâm.

Gắn bó với trường Lương lâu hơn Minh, Đặng Đình Thành (học sinh lớp 12I2) và các bạn cùng khoá của mình đều háo hức vào ngày lễ tri ân cuối khoá, được gặp thầy, được nói lời tri ân tới thầy nhưng không kịp nữa rồi.

6 năm học tập và rèn luyện dưới mái trường Lương Thế Vinh, Thành có rất nhiều kỷ niệm gắn với người thầy có nụ cười rất hiền đó.

Hàng loạt những dự định hiện lên tràn đầy tiếc nuối qua lời bộc bạch của chàng trai này. ‘Chúng em đứa nào cũng mong chờ ngày Lễ Tri ân, được nghe thầy phát biểu, dặn dò. Rồi khi bọn em đỗ đại học, đạt thành tích, quay lại trường báo cáo với thầy. Khi đó, chắc thầy vui lắm. Nhưng sẽ không được nữa rồi’, giọng Thành buồn rầu.

 
 
 
 

Điều ước thầy khoẻ mạnh trở lại được gói ghém trong hơn 19.000 con hạc giấy treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh và lời nguyện cầu thầy mau khoẻ được gửi đi từ hơn 3.000 giọng ca hát vang ‘Bài ca Lương Thế Vinh’ đã trở thành sự thật.

Tình yêu thương cháy bỏng của các thầy cô giáo, các học sinh đã tiếp thêm sức mạnh để thầy chiến đấu với căn bệnh quái ác. Niềm vui vỡ oà khi trước cổng trường Lương Thế Vinh, chào đón thầy Văn Như Cương trở về trong tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.

 

Thầy Văn Như Cương ra đi vào một buổi sáng thứ hai của mùa thu. Nắng vẫn giàn đều trên từng hành lang lớp học, từng khoảng sân trống, gió vẫn thổi nhẹ hều trên các cành cây, hoa lá.

Từ mùa thu khai trường năm học tới, các thế hệ học sinh trường Lương sẽ không còn được nghe trực tiếp giọng nói của thầy nữa. Những sự ân cần, quan tâm của thầy với các em học sinh chỉ còn là những ký ức đẹp đẽ.

‘Là bầu trời xanh chim rộng cánh bay, là biển mênh mông cho buồm gió căng, là bài thơ hay em kính dâng kính yêu tặng thầy…’

Vĩnh biệt người thầy đáng kính!

 

Tú Anh - Ái Linh /giadinhmoi.vn