Chính sự thiếu tập trung của trẻ tăng động giảm chú ý khiến chúng có những ‘hành động không ngừng nghỉ’, dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ.
Ở phòng cuối dãy, Việt Anh đang miệt mài ngồi tập tô những chữ cái trong cuốn sách dậy chữ lớp 1. Cậu bé biết dùng bút chì để viết chữ trong bảng chữ cái, dùng tẩy xoá đi nếu viết nguệch ngoạc và có thể đọc hay đếm số.
Không ai nghĩ, cậu bé Việt Anh 6 tuổi bị tăng động giảm chú ý lại có thể ngồi 1 chỗ học bài như vậy.
Nuôi Việt Anh được hơn 4 tuổi, gia đình mới tả hoả đưa con đi khám vì thấy Việt Anh chưa biết nói, có những hành vi khác thường.
Bà nội Việt Anh kể, trước bố cậu bé mãi 4 tuổi mới nói được nên gia đình cũng chủ quan, không nghĩ Việt Anh bị tăng động giảm chú ý.
Trước đây, Việt Anh rất hay đánh người. Cậu bé thấy ai cũng đều lao vào đến đánh người ta đau điếng, ai ngủ cùng cũng bị cậu tát rất đau.
Tuy nhiên, sau khi điều trị tại khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương được 4 tháng, Việt Anh giảm những hành vi tăng động như vậy.
Ngược lại, cậu bé đã bình tĩnh hơn, biết lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của người lớn.
Các bác sĩ điều trị cho Việt Anh và bà nội đều nhận xét cậu tiếp thu rất nhanh, học thông minh.
Theo bác sĩ Vũ Thị Vui (Trưởng khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não), nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có những năng khiếu đặc biệt và có thể học giỏi trội một môn học nào đó.
27 năm điều trị trẻ bị tăng động giảm chú ý ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bác sĩ Vui nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh.
Có trẻ học lịch sử cực kỳ tốt, chỉ cần đọc 1 lượt là có thể nói vanh vách bài vừa đọc. Tuy nhiên, các môn tự nhiên của cháu lại kém.
Có những lần nhận bài kiểm tra cô trả được 4 điểm, cháu xé toạc bài tờ làm bài kiểm tra trước mặt cô ‘Con không chấp nhận điểm 4 đâu’. Mấy lần rồi cô cũng quen và chú ý tới cảm xúc của con hơn.
Có những bạn lại có thiên hướng về âm nhạc, hội hoạ. Các trẻ đó vẽ rất đẹp.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, ngày càng nhiều trẻ bị tăng động giảm tập trung với những biểu hiện rõ ràng.
Có thể kể đến bé Bích Thuỷ đang điều trị ở đây. Dù lên 2 tuổi, con không lẫy mà chỉ nằm một chỗ. Hằng ngày, Thuỷ luôn tay xoay xoay bất cứ đồ gì cầm nắm không thì lại chạy nhảy khắp nơi.
Các bà trong phòng bệnh tính một ngày cô bé 4 tuổi này phải chạy nhảy vài cây số. Ban đêm thì hay phát âm vô nghĩa, ê a khóc. Bé cứ tự nhiên khóc, tự nhiên cười mà không ai biết tại sao.
Bà của Thuỷ cho biết, chẳng bao giờ Thuỷ tập trung làm điều gì cả, hoạ hoằn lắm thì chú ý được 1-2 phút rồi lại chạy nhảy linh tinh, không biết mệt.
Toàn khối Nhi của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, có đến hơn 40% trẻ nhập viện có dấu hiệu bị tăng động giảm chú ý. Trong đó bé nhỏ nhất khoảng 14 tháng tuổi còn bé lớn nhất 13 tuổi.
Phụ huynh nên làm gì?
Theo bác sĩ Vui, khi bé được 10 tháng tuổi là đã có thể phát hiện ra những dấu hiệu bị tăng động giảm tập trung của bé, rõ nhất vào khoảng 16 tháng tuổi.
Khi thấy con có những dấu hiệu của tăng động giảm tập trung, phụ huynh nên đưa con tới các chuyên khoa tâm lý, thần kinh để được thăm khám.
Các con có thiên hướng gì thì nên đầu tư vào thiên hướng đó: Khi được làm đúng với sở thích của mình thì trẻ rất hào hứng và sẽ ngày càng phát triển.
Nếu trẻ gặp phải sự ngăn cản từ phía bố mẹ thì chúng sẽ bỏ ngang và lúc sau sẽ không thể làm được nữa.
Không nên quát mắng con: Trẻ tăng động giảm chú ý thường có hành vi cảm xúc mãnh liệt hơn những trẻ bình thường. Chúng thường có lòng tự trọng rất cao do vậy, phụ huynh đừng bao giờ chê bai hay quát mắng trẻ.
Khi con làm sai điều gì đó, các bố mẹ không nên quát mắng con một cách thậm tệ, không chỉ trích con. Thay vào đó, phụ huynh cần phân tích để con hiểu tại sao con làm thế là không được, phải làm như thế nào mới đúng?
Không nên làm hộ con nhiều việc: Trẻ 1 tuổi phải tự biết xỏ dép, đóng quai dép vào. 16 tháng tuổi trở lên phải biết tự đi lấy bát ăn, dải khăn ăn và tự xúc ăn, nếu ăn xong thì hướng dẫn con để đồ ăn thừa ở đâu. Trẻ 2 tuổi có thể tự mặc quần áo…
Tạo thói quen tốt cho con: Phụ huynh nên nhắc con đi ngủ, thức dậy đúng giờ quy định. Phụ huynh tránh xem ti vi, nói chuyện hay đặt những đồ vật lạ trên bàn trong khi trẻ đang học bài để trẻ không bị phân tâm.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý:
Theo bác sĩ Vũ Thị Vui, dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý:
- Chậm phát triển ngôn ngữ: Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị chậm phát triển ngôn ngữ. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường trong giai đoạn đầu, nhưng về sau sẽ chậm lại và thường gặp phải các vấn đề về cấu trúc câu hay khả năng diễn đạt bằng lời nói.
- Thiếu tập trung: Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ thường giả điếc, coi như không nghe thấy bạn nói gì. Hoặc trẻ nói là đang nghe lời nhưng khi được yêu cầu lặp lời, trẻ sẽ không biết nói gì.
Trẻ khó tập trung để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu làm rồi bỏ lửng công việc đang làm, chạy đi làm việc khác hoặc không biết mình phải làm gì tiếp theo.
- Rối loạn hành vi: Trẻ thường có những hành động bất thường, lặp đi lặp lại 1 động tác. Trẻ không nhận biết được bộ phận cơ thể của mình.
Trẻ không có sự giao tiếp bằng mắt hoặc giao tiếp bằng mắt nhưng lơ đãng, mắt không có điểm dừng. Có nhiều trẻ giao tiếp được bằng lời nói nhưng cũng có những trẻ không giao tiếp được bằng lời nói.
- Rối loạn cảm xúc: Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc, cả tốt và xấu. Chúng hay la hét ầm ĩ, đập đầu, ăn vạ vô lý. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.
Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường hay huyên náo, gây ồn ào, nhưng có những trường hợp không phải thế. Một dạng khác của chứng này thì yên tĩnh hơn và ít liên quan đến bạn bè. Trẻ có thể nhìn lơ đãng ra ngoài trời, như đang mơ màng, và bỏ qua những điều đang diễn ra quanh mình.
- Rối loạn sinh hoạt: Trẻ tăng động giảm chú ý thường ăn kém, ngủ không được ngon giấc.