Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, những người anti đa phần là người mù quáng, cực đoan do trong gia đình họ có vấn đề.
Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc sởi lũy tiến nhập viện điều trị tại khoa từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 500 trẻ. Số trẻ nhập viện trong 2 tháng gần đây tăng mạnh, trung bình gần 100 ca mỗi tháng.
Trong đó, hơn 85% trẻ nhập viện đều không được tiêm phòng đầy đủ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1) lo ngại về việc cha mẹ không đưa con đi tiêm vắc xin phòng sởi.
“Những bệnh nhi nhập viện do bệnh sởi đa phần do bố mẹ không đưa con đi tiêm vắc xin hoặc quên lịch. Thậm chí, có nhiều bà mẹ còn cuồng hội anti vắc-xin nên không cho con tiêm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Nói về vấn đề nhiều bậc cha mẹ "anti" vắc xin sởi, bác sĩ Khanh cho biết: "Những người anti đa phần là người mù quáng, cực đoan do trong gia đình họ có vấn đề.
Đây là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vắc xin, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại. Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”.
Bác sĩ cũng Khanh lấy dẫn chứng về dịch sởi năm 2014 khiến trăm trẻ tử vong. Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vắc xin sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh đưa ra lời khuyên: “Hiện nay cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi.
Phụ huynh cần sáng suốt lựa chọn cho con mình loại vaccine cần thiết, phù hợp nhất. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm hiểu thông tin nhiều nguồn trước khi đưa ra quyết định quan trọng về vắc xin”.