Thời điểm choáng nhất là khi tôi biết mình mang bầu em bé thứ ba vào tháng 1/2020, công việc thì đang bấp bênh vì COVID-19 và khoản nợ mua nhà vẫn chưa trả hết.
Trước khi dịch COVID-19 ập đến, vợ chồng chúng tôi có một khoản thu nhập chừng 30 triệu đồng hàng tháng, đủ chi tiêu cho gia đình 4 người và trả góp nợ ngân hàng sau khi mua nhà.
Căn hộ chung cư của chúng tôi được mua từ năm 2018, còn nợ anh em bạn bè chừng 200 triệu và khoản trả góp ngân hàng cũng xêm xêm chừng đó.
Tôi đi làm nhân viên văn phòng, tiền lương cũng 8 – 10 triệu/tháng, nhưng chi tiêu cũng khá đau đầu. Tôi thường xuyên ở hoàn cảnh chưa hết tháng đã hết lương vì bội chi các khoản tiền ăn trưa, đám xá bạn bè đồng nghiệp. Rồi thỉnh thoảng các bạn cùng team rủ nhau ăn nhậu nhân dịp sinh nhật sếp, làm xong dự án…
Chồng tôi là họa sĩ tự do. Công việc của anh khá đặc thù nên không có một khoản thu cố định. Có thể vài ba tháng không có thu nhập, nhưng khi hoàn thành một tác phẩm, bán cũng được vài chục đến 100 triệu.
Tôi đã vẽ ra một tương lai tươi sáng là đến năm 2023 chúng tôi trả hết nợ mua nhà, sẽ tiếp tục vay ngân hàng mua xe ô tô. Chỉ cần tôi tiếp tục duy trì công việc văn phòng hiện tại và một chút may mắn để chồng tôi sáng tác đều tay, mọi việc sẽ ổn.
Thế nhưng đời chẳng như mơ, dịch COVID-19 ập đến. Tôi lại mang bầu em bé thứ 3, một món quà bất ngờ với vợ chồng chúng tôi. Vì khó đáp ứng được áp lực công việc trong giai đoạn mới mang bầu, tôi quyết định nghỉ việc.
Khi toàn bộ gánh nặng kinh tế dồn đến, chúng tôi đã phải ngồi lại với nhau để bàn tính thật kỹ. Nguyên tắc là không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không trách móc nhau, bình tĩnh giải quyết mọi khó khăn.
Khi phải đối mặt với một biến cố lớn như một đại dịch, mọi thứ đều trở nên bấp bênh, tôi nhận ra bài học đầu tiên về quản lý chi tiêu. Đó là nên linh hoạt, chủ động để thích nghi với thay đổi.
Ngày hôm trước nghỉ việc, ngày hôm sau tôi đã bắt đầu nộp hồ sơ lên các mạng lưới kiếm việc dành cho freelancer (dân làm việc tự do)
Tôi có trình độ tiếng Anh tương đối ổn, nhưng trước đây làm văn phòng ít khi đụng đến. Nay là cơ hội để nhận các việc dịch thuật về làm tại nhà. Cộng với chuyên môn và các mối quan hệ trong lĩnh vực marketing – báo chí trước đây, tôi có thể nhận các việc liên quan đến truyền thông mà bạn bè giới thiệu.
Làm việc online, chỉ có duy nhất một nhược điểm là hơi buồn, chứ về thu nhập rất ổn. Có những tháng tôi thu nhập 15 triệu, mà chẳng mất một đồng xăng xe, cà phê cà pháo. Chưa kể tự tiết chế tốt nên cũng giảm hẳn khoản la cà shopping hay trà sữa, trà chanh chém gió…
Vậy là trong thời gian bầu bí, tôi cứ cặm cụi làm việc tại nhà. Ông xã thì, trộm vía, vẫn túc tắc bán được tranh. Chúng tôi chẳng những vẫn trả được khoản trả góp ngân hàng mua nhà, mà còn tích lũy một chút để đón em bé chào đời.
Do luôn luôn sống trong cảnh “không ổn định” nên tôi cũng dần… quen. Cuộc sống và các khoản chi tiêu đã dần vào guồng khi tôi làm mẹ bỉm sữa toàn thời gian gần 1 năm nay.
Hàng tháng tôi vẫn nhận chăm sóc website, fanpage cho một trung tâm Chăm sóc sức khỏe (sinh con được 6 tuần tôi đã ngồi vào máy tính làm việc). Những tháng may mắn, tôi có thể nhận thêm các việc dịch thuật. Thậm chí, có ông bà trông hộ con, tôi chạy đến phụ giúp các việc đơn giản ở xưởng vẽ của chồng. Việc to việc nhỏ tôi đều không nề hà để tăng thêm thu nhập.
Chi tiêu có kỷ luật
Trải qua những ngày tháng thăng trầm, tôi vẫn tự nhủ, có được một mái nhà ấm cúng, một người chồng yêu thương và sát cánh cùng mình trong mọi khó khăn, thực sự là điều vô cùng may mắn. Ngoài ra, kỹ năng quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình cũng là một kỹ năng sống còn để duy trì cuộc sống ổn định.
Ngoài bài học về phát huy mọi khả năng, mối quan hệ để tăng thu nhập, chúng tôi còn có bài học thứ hai: Chi tiêu có kỷ luật.
Nhìn lại, quá trình trước đây tôi đi làm thực ra có rất nhiều khoản chi có thể tiết kiệm được. Nhưng vì đang có một công việc tạm gọi là “ổn định” nên tôi lờ đi. Hoặc cũng có thể vì muốn “lấy le” với bạn bè, đồng nghiệp nên tôi tặc lưỡi cho qua, không tiết kiệm.
Trước đây, có những điều tôi nghĩ rằng “hiển nhiên”. Ví dụ như một năm vài lần đi du lịch, một tháng vài lần đi ăn hàng, xem phim. Tuy vậy, trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc khi xác định mục tiêu sống còn của giai đoạn này là trả nợ, là nuôi con, tôi đã có thể cắt giảm các khoản chi đắt đỏ đó.
Âu đó cũng là cái lợi của dịch bệnh, khi nó làm cho tất cả chúng ta xác định đâu là những nhu cầu thiết yếu, thực sự cần thiết cho bản thân và gia đình.
Không chỉ bản thân tôi thay đổi, chồng tôi cũng thay đổi rất nhiều. Chồng tôi lập gia đình khi đã 37 tuổi. Toàn bộ thời gian trước đó anh không hề tích lũy được gì về tài chính, làm bao nhiêu chi tiêu hết bấy nhiêu. Các khoản dư ra cho bạn bè, người thân vay mượn, rồi cũng chẳng đâu vào đâu.
Nhưng đến khi gánh trách nhiệm chu cấp gia đình, anh đã suy nghĩ và làm việc thực tế, chân chỉ hơn, nhiều khi còn là người nhắc nhở nếu tôi tiêu không theo kế hoạch.
Trong giai đoạn dịch bệnh vẫn có xu hướng phức tạp, bất cứ khó khăn nào cũng có thể ập đến. Chúng tôi luôn động viên nhau làm việc chăm chỉ và tích lũy, sống tằn tiện để có một quỹ dự phòng cho những khoản chi bất ngờ.
Cuối cùng, bài học thứ ba của gia đình tôi là sự phân công trách nhiệm trong quản lý chi tiêu.
Chúng tôi thỏa thuận các khoản thu lớn từ bán tranh sẽ được gửi vào ngân hàng, sau đó rút ra hàng tháng.
Tôi lo chi tiêu cho các nhu cầu ăn uống hàng ngày, đóng học cho con từ nguồn thu của công việc làm thêm, thiếu hụt bao nhiêu sẽ thông báo để chồng đưa thêm. Còn các khoản chi lớn như trả nợ, tiền điện nước, chi phí về chăm sóc sức khỏe… đều do chồng tôi lo. Anh là trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng tôi vẫn được tương đối chủ động trong việc thu vén, chăm lo về nội trợ.
Chi phí cho các mối quan hệ của cá nhân thì “thân ai nấy lo”. Cái này nghe thì hơi sòng phẳng quá, nhưng trong hoàn cảnh gia đình tôi, tôi thấy khá hợp lý. Chúng tôi, từng người sẽ tự biết điều chỉnh để không bị quá tay cho khoản chi có thể linh động này.
Hiện nay, vợ chồng tôi luôn động viên nhau nỗ lực hết sức để làm việc, bàn bạc với nhau về phương án sử dụng đồng tiền hợp lý trong cuộc sống. Các cụ khi xưa nói “Của chồng, công vợ”, chắc tôi cũng chỉ dám nhận công trong lĩnh vực tổ chức, sắp xếp chi tiêu mà thôi.
Sự tôn trọng lẫn nhau, cùng bàn bạc, phân chia trách nhiệm như trên đã giúp chúng tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn. Về lâu về dài, sau khi trả hết nợ, tôi tin rằng với sự chăm chỉ và tiết kiệm của cả hai vợ chồng, chúng tôi có thể tích lũy thêm để đầu tư, giúp cuộc sống gia đình ngày càng sung túc hơn.
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY