Với ưu điểm làm đẹp nhanh, chỉ trong vòng 5 phút đã giúp chị em giảm nếp nhăn, khuôn mặt đầy đặn phẳng phiu… nên phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) đang được nhiều chị em lựa chọn với hy vọng cải lão hoàn đồng.
Filler thường được gọi là chất làm đầy, một hợp chất được cấu tạo từ axit hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người và đang được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ làm đẹp không cần phẫu thuật.
TS. BS Phạm Cao Kiêm - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết hiện trên thị trường có rất nhiều loại filler được quảng cáo với nhiều mức giá khác nhau.
Sản phẩm này được nhiều chị em ưa chuộng trong việc làm đẹp không cần phẫu thuật. Các spa sử dụng chất làm đầy để tiêm nâng mũi, tạo cằm V-line, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn...
Bác sĩ Kiêm chia sẻ, ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả làm đẹp nhanh, tức thì, không cần phẫu thuật, không mất thời gian thực hiện (chỉ khoảng 5 phút), bệnh nhân không phải chăm sóc sau phẫu thuật và sau khi làm đẹp những người xung quanh khó nhận biết là người này đã từng làm đẹp vì thường mang lại vẻ đẹp tự nhiên.
Tuy nhiên, không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Tiêm filler không rõ nguồn gốc, tiêm nhầm mạch máu hay sử dụng quá số lượng… là nguyên nhân khiến cho phương pháp thẩm mỹ này trở thành mối nguy hiểm khôn lường.
Gần đây nhất là trường hợp một thiếu nữ 23 tuổi ở Hà Nội đi tiêm chất làm đầy (filler) mũi tại một spa dẫn tới nhiễm trùng, xuất hiện nhiều ổ mủ ở mũi, có nguy cơ hoại tử và đang phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Nói về nguyên nhân gây ra biến chứng khi thực hiện phương pháp làm đẹp này, bác sĩ Kiêm khẳng định, việc hàng loạt các tai biến, biến chứng khi tiêm filler đều do sử dụng sản phẩm filler không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá trình tiêm không đảm bảo vô trùng từ đó gây nhiễm khuẩn tại vùng tiêm, áp xe, hóa mủ, nặng có thể gây nên nhiễm trùng huyết.
Ngoài ra, người thực hiện tiêm chất làm đầy không đảm bảo điều kiện đào tạo, tay nghề yếu, khi thực hiện dễ tiêm vào mạch máu gây tắc mạch tại chỗ hoặc tắc các mạch ở xa. Tiêm quá nhiều chèn ép gây thiểu dưỡng hoại tử vùng được tiêm.
Mỗi một loại filler có chỉ định tiêm vào một vùng khác nhau, nếu tiêm không đúng chỉ định, tiêm sai sẽ không đạt kết quả. Filler quá hạn hoặc bảo quản đúng cách, filler giả cũng có thể gây nên dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn…
Vì vậy, để tránh những hậu quả không mong muốn, bác sĩ Kiêm khuyến cáo mọi người tránh tiêm ở những nơi không phải cơ sở y tế, không phải bác sĩ, thuốc tiêm không rõ nguồn gốc. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng, bởi nếu biến chứng xảy ra thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao và rất khó để lấy lại vẻ đẹp tự nhiên ban đầu.