Thu nhập bao nhiêu thì sống được ở Hà Nội? Kỳ tích xoay xở của vợ chồng tôi

Tôi và ông xã quyết định không dùng tivi gần mười năm nay, ấy thế mà tiền hóa đơn mỗi tháng đã giảm đáng kể.

Là một cô gái tỉnh lẻ lên Hà Nội học Tiếng Anh, ra trường đi dạy năm 2011 với mức lương giáo viên 5tr/ tháng. Vậy làm thế nào trong 10 năm tôi có thể mua nhà và xe ở Hà Nội?

Đây là câu chuyện vượt khó mà tôi mong được chia sẻ trong cách sáng tạo tìm giải pháp tiêu dùng thông minh, bắt đầu với câu nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Những tuyệt chiêu tiết kiệm của vợ chồng tôi, 10 năm không xem tivi

Thời gian 2 năm đầu ra trường còn độc thân, tiền lương cứ đến cuối tháng là hết mà tôi cũng không bận tâm gì nhiều về cái cảnh "ráo mồ hôi là hết tiền" ấy.

Chao ôi, sau đám cưới, cuộc sống gia đình đặt ra những bài toán buộc tôi phải tìm lời giải tài chính xa hơn. Lúc ấy, tổng thu nhập hai vợ chồng mới chỉ có 13 triệu/tháng, vừa đủ tiền nhà, tiền ăn và cuối tháng cũng hết lương. Làm sao lo chuyện con cái sau này nữa chứ!?

Lời giải bài toán tôi phát hiện không chỉ ở vấn đề kiếm thêm thu nhập, mà là cách giảm thành công chi phí tiêu dùng. Đầu tiên, chúng tôi tìm thuê một căn hộ giá hợp lý gần chỗ làm để giảm thời gian và chi phí đi lại.

Tiếp đến tôi tìm cách giảm chi phí thực phẩm hàng tháng xuống còn một nửa bằng chiến lược lựa chọn cửa hàng có giá bán rẻ hơn và tìm cách mua được giá sỉ.

Tôi quyết định những vật dụng và đồ khô trong nhà thay vì mua lẻ mỗi ngày thì tôi mua sỉ dùng cho 3- 6 tháng. Ví dụ yến mạch, bún khô ăn sáng, rong biển khô, hạt, khăn giấy... tất cả tôi đều tìm đến nhà bán hàng cấp 1 để deal được giá sỉ rẻ hơn 1/3 so với giá thị trường. Kết quả là tôi đã tiết kiệm chi phí một tháng giảm hơn nửa so với trước.

Hai mẹ con

Đối với những tiện nghi cá nhân như quần áo, mĩ phẩm, giày... tôi ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Muốn như vậy, tôi kiên nhẫn dành thời gian cuối tuần tìm các voucher hoặc phiếu giảm giá cho những sản phẩm có thương hiệu trước khi đến cửa hàng rút hầu bao. Ví dụ đôi giày chạy bộ Nike mua ngày blackfriday giảm 50% với giá còn 700.000 đồng, tôi đã dùng liên tục được 3 năm. Nếu trước đây mua giày rẻ giá 200.000 đồng thì chỉ dùng được 3 tháng mà thôi, tính ra mới thấy con số đầu tư cho đồ tốt bao giờ cũng rẻ hơn đồ dỏm.

Điểm ấn tượng nhất mà tôi muốn chia sẻ là cách dùng thiết bị điện trong gia đình. Với thành viên 4 người như bây giờ mà lúc nào tổng hóa đơn tiền điện gia đình kể cả nấu ăn bếp từ, máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, đèn chiếu sáng, máy tính... cũng chỉ 200- 400.000/ tháng. Đấy là con số mà tôi cảm thấy hãnh diện bởi cùng hoàn cảnh mà tiền điện hàng xóm thường là gấp đôi. Cách làm của gia đình tôi rất đơn giản.

Không dùng tivi. Ban đầu cũng bởi lý do để mỗi người trong gia đình có thời gian được trò chuyện và nhìn vào mắt nhau nhiều hơn nên tôi và ông xã quyết định không dùng tivi gần mười năm nay, ấy thế mà tiền hóa đơn mỗi tháng đã giảm đáng kể.

Gia đình hạnh phúc khi ta làm chủ được tài chính

Điều hòa vào những mùa nắng nóng, chúng tôi luôn điều chỉnh ở 30 độ C kết hợp một cái quạt nhẹ, không bao giờ để dưới 28 độ. Vì thế mà cục nóng điều hòa luôn tự ngắt hầu hết thời gian làm điện tiết kiệm được rất nhiều. Theo cách tính lũy tiến thì đấy là bí kíp giúp gia đình tôi trả ít tiền hơn rất nhiều so với hàng xóm.

Điện chiếu sáng thì tôi ít khi dùng bóng tổng trần nhà, chỉ sử dụng đèn tiết kiệm điện ở nơi cần dùng như ở bàn làm việc, bàn học, bếp. Làm như vậy, ánh sáng được tập trung mà trong nhà không quá sáng một cách lãng phí.

Việc tìm ra giải pháp giảm chi phí hiệu quả đã thể hiện quả ngọt trên con số hóa đơn hàng tháng. Nếu thói quen cũ khiến việc chi tiêu sinh hoạt ở Hà Nội cho gia đình 2 người lớn, 2 trẻ em luôn ở mức phí hơn 10tr/tháng, thì nay chỉ còn 5tr/ tháng.

Thật tuyệt khi con số tiết kiệm ấy đã giúp tôi tích lũy ở ngân hàng mà sau này mới thấy nó ý nghĩa to lớn như thế nào. 

Nắm bất kỳ cơ hội nào trong tay để tăng thu nhập, quyết tâm mua nhà

Để tăng thu nhập, tôi nắm lấy bất kỳ cơ hội có trong tầm tay của mình. Những ngày đầu, tôi nhận các lớp gia sư tại nhà với mức phí tối thiểu cho đến khi mọi thứ dần ổn định, tôi may mắn lọt vào danh sách giới thiệu của phụ huynh và nhận được nhiều lời mời với thu nhập không tồi lên đến 15tr/tháng.

Thậm chí trong mùa dịch, khi lương giáo viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi không dừng lại mà tìm cách chuyển hướng tăng thu nhập. Tôi dạy học online, hợp tác cùng một người bạn hàng xóm để bán hàng online trong nội khu bất cứ thứ gì có từ việc mua sỉ trước đó: có lúc thì thực phẩm, mĩ phẩm, trang phục hoặc các vật dụng thiết yếu để kiếm thêm dòng tiền. Tuy không thể "mỗi ngày trăm đơn” nhưng đủ để tôi trang trải cuộc sống và có khoản thu nhập đáng kể.

Từ chỗ lương 5 triệu, tôi và chồng đã "làm nên chuyện" ở đất Hà thành

Nhận thấy bản thân có thể viết, tôi viết blog chia sẻ cuộc đời mình và tham gia các cuộc thi viết, mỗi cuộc thi cho tôi thu nhập từ 5- 30 triệu/bài viết. Tuy không thường xuyên, nhưng đó là khoản thu nhập quý giá. Sau hai năm, tôi tăng dòng thu nhập trung bình của gia đình lên 40 triệu/tháng. Tích lũy được 200 triệu tiền mặt gửi ngân hàng.

Từ năm 2014, tôi nhận thấy cả hai vợ chồng đều có hợp đồng lao động nên việc ngân hàng hỗ trợ mua nhà khá dễ dàng. Chúng tôi quyết định mua chung cư ở giai đoạn đầu mở bán khi chỉ cần đóng 10% số tiền mà thôi. Đây là số tiền tôi có thể lo được. Ở giai đoạn đóng tiền 20%, chúng tôi bắt đầu sang lại hợp đồng và có được phần chênh lệch từ 40-50 triệu trong vòng 3 tháng. Cách làm này tuy có những mạo hiểm như con dao hai lưỡi bởi có lúc đã phải cắt lỗ đến 20- 40 triệu đồng. Dù thế tính tổng ra, cách đó cũng giúp chúng tôi dần tích lũy được số vốn thêm vào 500 triệu sau 3 năm.

Lúc này cộng lại tất cả các nguồn thu nhập thì chúng tôi đã có tổng vốn gần 1 tỷ, tôi và chồng quyết định ra vùng ven đô mua những căn nhà cấp 4 cũ tầm tiền và sửa mới để bán lại. Cách làm này đã giúp tôi có lời từ 100 triệu một lần giao dịch.

Những cơ hội như thế cứ đến và chúng tôi cố chăm chỉ hết mức nắm lấy từng chút một theo cách "năng nhặt, chặt bị". Trong 4 năm tích lũy tiếp theo, chúng tôi đã may mắn sở hữu riêng cho mình một căn chung cư 3 phòng ngủ và số tiền mặt lên tới 2 tỷ đồng.

Một bước lên xe

Cách đây 5 năm, khi đã có con nhỏ, vì sự an toàn và đặc biệt là nhu cầu đi lại về quê, tôi và ông xã bàn nhau nghĩ cách phải mua xe ô tô. Lúc đấy tôi suy nghĩ rất nhiều về bài toán gửi xe, nuôi xe, rồi việc nên mua xe cũ hay xe mới.

Mua xe cũ tuy rẻ chỉ 200- 300 triệu đã có xe rồi, nhưng tiền sửa chữa tốn rất nhiều, đặc biệt những xe đời sâu. Mua xe mới thì thích nhưng lại quá đắt, toàn gần 1 tỷ, chưa kể phí trước bạ cũng hơn 100 triệu đồng. Đó là khoản phí và tiền quá cao so với gia đình tôi.

Qua tìm hiểu, tôi quyết định tìm mua xe lướt, những xe mới đi từ 1-4 vạn odo, tương đương từ 1 - 4 năm sử dụng. Chiếc xe kiểu này sẽ giúp tôi giải bài toán giảm rủi ro sửa chữa hỏng hóc và phí đầu tư cao ban đầu.

Còn bài toán về chi phí nuôi xe cũng là một bài toán khá đau đầu khi mỗi tháng phải bỏ ra 2- 3 triệu tiền xăng và 1- 2 triệu phí gửi xe. Tôi giải quyết bài toán này bằng cách thuê hai lái xe với mức lương 14triệu/ tháng. Mục đích để phục vụ gia đình và chạy dịch vụ.

Khi xe cứ chạy ngoài đường 24/24h, tôi giải quyết được bài toán đỗ xe. Thu nhập từ việc chạy grab cho tôi lợi ròng khoảng 15triệu /tháng. Mỗi lần gia đình cần xe sử dụng thì đều có thể lấy để chạy được. Như vậy, vừa có xe để chạy vừa có được dòng tiền từ việc mua xe ấy.

Công thức quản lý dòng tiền chia 7 của tôi

Tôi có thể làm được những điều kể trên phần lớn đến từ việc tôi đã phát hiện ra công thức quản lý dòng tiền hàng tháng của mình. Tôi sẽ chia sẻ bí mật tài chính ấy ngay ở dưới đây, gọi là công thức chia 7.

Tất cả lượng tiền mặt có được trong tháng đều được tôi chia đều đặn một cách kỷ luật vào 7 khoản mục. Tôi dùng 7 thẻ ngân hàng khác nhau với chức năng chỉ nhận và rút tiền, ngoài ra không đăng kí dịch vụ gia tăng nào khác để giảm phí thường niên.

Ví dụ ở thời gian đầu mới lập gia đình, tổng mức lương của hai vợ chồng chỉ mới 13 triệu mỗi tháng sẽ đều đặn được chia ra như sau.

  • 1. Từ thiện: 500.000 đồng + 10% của bất kỳ khoản thu hay lợi nhuận.
  • 2. Sinh hoạt: 3 triệu
  • 3. Chỗ ở: 3 triệu (Lúc có nhà riêng vẫn tính như tiền thuê nhà của chính mình, sau đó chuyển sang mục 7. Đầu tư)
  • 4. Mối quan hệ: 1,5 triệu. Mời đi ăn, cà phê... để xây dựng mối quan hệ.
  • 5. Học tập: 1 triệu mua sách.
  • 6. Du lịch: 1 triệu.
  • 7. Đầu tư: 3 triệu

Nhiều người đã hỏi vì sao có khoản từ thiện, tôi đã nói ý nghĩa quan trọng giúp tôi học cách cho đi nhiều hơn, là cách tôi tìm thấy tầm nhìn cuộc sống, là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất.

Công thức chia 7 sẽ được cân đối tùy thời điểm nhưng vẫn luôn đủ 7 mục như thế. Chính điều kỉ luật này đã giúp tôi luôn kiểm soát được tài chính và đặc biệt có được tư duy tài chính mạch lạc cũng như khoản tích góp đều đặn trong mục đầu tư hàng năm.

Công thức chia 7 của tôi

Hiện nay, tôi đã có tổ ấm đáng yêu ở Hà Nội, có xe, có thu nhập ròng ổn định của gia đình. Trong đó các khoản đầu tư cứ đang tích lũy làm thu nhập vẫn tăng đều lên.

Bạn bè thường hỏi tôi bí quyết cần chia sẻ, tôi tin điều cốt lõi chân thành bất kể ai trong giai đoạn đầu của cuộc đời, thứ cần học chính là tích lũy vốn, học cách có một số tiền ban đầu để rồi chín xu đổi lấy một hào. Chúng tôi cứ từ ít gom lại thành nhiều, tích tiểu thành đại, từ một gom lên thành mười như thế.

Điều tuy đơn giản ấy đã giúp chúng tôi dần có được số vốn quan trọng ban đầu 200 triệu, rồi 500 triệu, 1 tỷ, 3 tỷ như bây giờ. Rồi cái ý tưởng, cái tư duy tự đến tương ứng dựa trên nấc tiền mà mình có. Như bây giờ tôi bắt đầu ấp ủ ý tưởng con đường khởi nghiệp xây dựng thương hiệu giáo dục Tiếng Anh cho riêng mình.

Trên con đường mưu cầu thành công tài chính, câu nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” và câu nói “vạn dặm hành trình bắt đầu từ bước đầu tiên” chính là bí quyết chỉ đường của tôi. Tôi tin thành công và hạnh phúc không sớm thì muộn cũng sẽ đến gõ cửa nhà bạn một khi đã biết cách tiêu dùng thông minh.

Xin gửi bí quyết ấy trong bài thơ:

Bí kíp tiêu dùng!

Nghe vẻ nghè ve nghe vè bí kíp

Khéo ăn thì no khéo co thì ấm

Mua sỉ giá rẻ làm điều tinh khôn

Ưu tiên chất lượng thay vì ham nhiều

Không dùng tivi yêu thương túi tiền

Điều hòa không nóng tiền mãi còn đây

Ánh sáng vừa đủ nhà mãi ấm vui

Để tăng thu nhập bỏ ngay kén cá

Cố nắm cơ hội có trong tầm tay

Tìm cách tích góp sẽ thành vại to

Khi muốn giàu to chớ ôm tiêu sản

Mua xe mua nhà giống như gieo hạt

Bỏ hạt hôm nay hái quả ngày mai

Công thức chia 7 làm nên tất cả

Kỷ luật duy trì quả ngọt sớm mai

Tiêu dùng thông minh ấy là tiêu dùng thông minh.

Người dự thi: Linh An (Hà Nội)

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY


Tin liên quan