Tôi đang ở quê, Hà Tĩnh, sau khi rời Sài Gòn vào đúng thời điểm phong tỏa. Hôm nay là giữa tháng 9, tức sau gần 3 tháng kể từ khi tôi quyết định về quê sống trên ngôi nhà mới xây bằng tiền tích góp gần 3 năm của hai vợ chồng.
Ở quê tôi bây giờ là mùa thu, nhưng thời tiết vẫn thất thường với nắng mưa xen kẽ. Nó khác với Sài Gòn, nơi tôi từng sống có thời tiết dễ chịu tuyệt vời, điều này khiến mọi người ở quê tôi bao giờ cũng ngạc nhiên: “Sao hai đứa lại về nơi mưa nắng thất thường này để sống hả?”, họ luôn hỏi như nhau, nhưng chúng tôi không biết nên trả lời thế nào cho phải lẽ.
Bởi cũng như câu chuyện kiếm, tiêu, tiết kiệm tiền mà tôi sẽ kể sau đây là những thứ mà tôi tin rằng liên quan lối sống, chỉ có thể kể như một trải nghiệm mang tính chất cá nhân.
- Thay đổi lối sống từ khi có gia đình
Tôi làm chuyên viên tại cơ quan nhà nước, lương mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, còn vợ tôi là kế toán công ty tư nhân, mức lương gần 9 triệu. Sau ngày cưới một năm thì chúng tôi đón con gái đầu lòng vào giữa năm 2019.
Và đây là thời điểm mà chúng tôi bắt đầu tính toán chuyện chi tiêu trong gia đình, thay vì trước đó chỉ có hai vợ chồng son chúng tôi không tích góp được đồng nào ngoài trả 60 triệu đồng tiền nợ vay đi học từ thời sinh viên của hai đứa.
Chà, nghĩ lại ngày có con mọi thứ thay đổi chóng mặt, đặc biệt là chuyện tiền bạc. Khi còn độc thân, tôi không thể nào hình dung ra cuộc sống của mình sẽ thay đổi nhiều đến thế.
Tôi thấy nhiều bạn bè của mình cưới nhau xong thì “nhịn sinh con” vì sợ sinh ra không đủ tiền nuôi. Thực lòng cả hai vợ chồng tôi thời điểm mới cưới cũng có ý định vài ba năm nữa ổn định hơn mới sinh. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định sinh con sớm và chấp nhận những khó khăn về tài chính (như một điều hiển nhiên). Và bây giờ nhìn lại chúng tôi thấy đó là một quyết định đúng đắn.
Có một lần, hai vợ chồng tôi ngồi nhẩm tính chi phí sinh hoạt hàng tháng và thấy những con số xoay vòng chóng mặt. Dưới đây là một số con số trung bình trong khoảng thời gian đó.
- Tiền thuê nhà, điện nước: 4 triệu (may mắn thuê được chỗ quen giá rẻ)
- Tiền ăn: 5 triệu (Gồm 4 thành viên là hai vợ chồng, con và bà ngoại chăm cháu)
- Chi phí cho con: 2 triệu mỗi tháng (tiền chích ngừa dịch vụ, bỉm tã, sách, đồ chơi và một số thực phẩm khác khi con bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi)
- Chi phí sinh hoạt khác như xăng xe, tiền điện thoại, internet…: 1 triệu đồng
Như vậy, nhìn lại con số chung mỗi tháng gia đình nhỏ của tôi phải tốn trung bình 12 triệu đồng, tức gần hết số lương của hai vợ chồng. Trong khi đó, mục tiêu của hai đứa là mỗi tháng tiết kiệm từ 9 - 10 triệu đồng, có nghĩa vợ và tôi phải làm thêm để tăng thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng mỗi tháng nữa.
Vậy chúng tôi nuôi con như thế nào trong thời gian khó khăn đó? Đầu tiên là cả hai vợ chồng cùng đọc nhiều sách nuôi dạy con để rút ra được một hướng đi tốt nhất cho riêng mình. Cuối cùng chúng tôi cùng thống nhất những quan điểm sau:
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, không dùng sữa bột các loại thay sữa mẹ (chỉ bổ sung sữa tươi khi con 1,5 tuổi). Cụ thể, sau thời gian ở cữ 6 tháng, vợ tôi đi làm và mỗi ngày vợ sẽ vắt sữa để trữ đông tủ lạnh. Nhờ lượng sữa này con gái nhỏ tôi đủ dinh dưỡng lẫn kháng thể để khỏe mạnh và không cần tốn thêm mỗi tháng 2 triệu như những người khác.
Khi con ăn dặm (từ 6 tháng) cho con ăn uống đơn giản, đủ chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên nghe lời khuyên từ Facebook, vì ở đó toàn hướng dẫn bồi bổ cho con nào là yến, sữa ngoại… Những thức ăn quá bổ này hoàn toàn không thích hợp với con trẻ, và hơn nữa rất đắt đỏ, với mức thu nhập như vợ chồng tôi hoàn toàn không kham nổi (Đôi khi tôi vẫn nghĩ vu vơ, nếu mình giàu có hơn, thì tôi vẫn không cho con mình ăn những thứ không thích hợp với lứa tuổi như thế).
Tận dụng đồ dùng cũ: Tôi mua đồ dùng cũ từ xe nôi, ghế ăn dặm cho đến các đồ chơi cho con lẫn một số vật dụng gia đình. Những thứ này cộng dồn lại nếu mua mới sẽ rất tốn kém, nên bạn cứ mạnh dạn hỏi người quen để mua lại vừa rẻ, vừa tốt nhé.
Hạn chế về quê thời điểm Tết, nghỉ lễ vì giá vé tàu xe, máy bay cực kỳ đắt đỏ. Vợ chồng tôi nhẩm tính, mỗi năm về Tết chỉ riêng tiền vé máy bay hai chiều đi về đã gần 20 triệu đồng chưa kể tiền quà cáp các thứ. Thế nên từ khi cưới chúng tôi quyết định chỉ về quê theo lịch nghỉ phép thường vào mùa hè giá vé rất rẻ. Việc làm này cho phép chúng tôi tiết kiệm được tiền thưởng Tết vào quỹ tiết kiệm của mình.
Tận dụng nguồn thực phẩm từ quê: Để giảm chi phí ăn uống hằng tháng và thêm nguồn thực phẩm sạch hai vợ chồng nhờ bố mẹ ở quê mua thức ăn và gửi vào. Đa số thực phẩm từ thịt, cá, trứng, rau củ quả ở quê rẻ và ngon, lại có dịch vụ chuyển hàng nhanh nên rất tiện. So với chi phí mua ở siêu thị sẽ đỡ tốn hơn nhiều.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi có gia đình chúng ta phải hoạch định lại những con số tài chính. Và để làm được điều đó, tôi nghĩ một phần quan trọng là chúng ta phải thay đổi lối sống “có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu” như thời còn độc thân.
- Hãy để vợ giữ tiền, đầu tư tiền tiết kiệm và không mua trả góp
Đến hiện tại, tôi vẫn nghĩ rằng, đàn ông sau khi lấy vợ không nên giữ tiền. Trong gia đình mình, có hai thứ tôi luôn phân minh với vợ: (1) Tiền lương (kể cả tiền tôi kiếm thêm); (2) Tin nhắn Facebook (để nàng đừng nghi ngờ chuyện tán tỉnh ai đó trên thế giới phù phiếm kia). Và vợ chồng tôi thì hoàn toàn không có khái niệm "quỹ đen".
Nhiều khi tôi thầm cảm thấy mình là người may mắn, vì vợ là một người biết cách chi tiêu hợp lý. Tôi hay nói đùa với bạn bè mình, có lẽ nàng làm kế toán nên chuyện tiền bạc nàng tính “không sai một đồng”. Ví dụ, từ ngày có con, tiền lương thưởng và tiền làm thêm các thứ tôi quy về một mối do vợ nắm giữ.
Có thể bạn sẽ cười nếu nhìn vào ví của tôi một lần khi thấy ở đó không bao giờ quá… 500.000 đồng với toàn tiền lẻ. Đó là tiền phòng khi xe hư, xe hết hơi, hết xăng. Còn riêng tiền ăn trưa, tiền cà phê thì vợ tôi đã lo chu toàn bởi một chiếc cặp lồng đủ cơm ngon canh ngọt lẫn bình giữ nhiệt có cà phê pha sẵn từ sáng sớm.
Viết thế này giống như một bài ngợi ca vợ cũng đúng, nhưng khi nhìn ở góc độ tiêu dùng thông minh thì mới thấy nhờ những việc nhỏ nhặt đó cả hai chúng tôi tiết kiệm được khá khá. Ví dụ, tôi là người nghiện cà phê, mỗi ngày lúc nào cũng cần 1 – 2 ly với mức giá khoảng 15 ngàn đồng mỗi ly. Như vậy, trung bình mỗi tháng nếu mua ngoài tôi sẽ tốn khoảng 900.000 đồng cho thức uống này. Nhưng từ ngày vợ mua cà phê về, bạn tin không, chỉ khoảng hết chừng 200 ngàn đồng. Bạn đọc đừng vội cười những con số nhỏ bé này nhé, khi có con rồi bạn sẽ thấy chúng lớn lao đến chừng nào.
Bên cạnh đó, vợ chồng tôi có thói quen mua sắm không dùng tiền mặt. Điều này rất tiện, hơn nữa thoát được cảnh có tiền trong ví rất dễ mua lung tung. Ngoài ra, mua hàng bằng một số ứng dụng thanh toán được giảm giá, hoặc săn hàng khuyến mãi là những thói quen vợ chồng tôi cùng chọn. Bạn đừng vội “chê” những kiểu khuyến mãi vài chục ngàn đồng nhé, mỗi năm cộng lại bạn sẽ thấy mình tích lũy được kha khá đấy!
-
Kỳ tích tiết kiệm xây nhà ở quê
Bây giờ quay lại câu chuyện, làm sao để tiết kiệm tiền và xây nhà rồi chuyển về quê sống? Như đã nói, từ ngày có con mỗi tháng chúng tôi đặt mục tiêu tiết kiệm được khoảng từ 9 - 10 triệu đồng - tức chi tiêu trong phần lương của tôi (cộng tiền làm thêm) và để dành tiền lương của vợ.
Sau năm đầu tiên chúng tôi tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng (đã cộng thêm tiền thưởng Tết do không về quê tích góp được nhé). Với số tiền này nếu chỉ để trong tài khoản sẽ dễ rời vào tình trạng “tiền chết” nên chúng tôi quyết định góp đầu tư mua đất với bố mẹ ở quê.
Thêm một thông tin thú vị mà chúng tôi muốn nhắn nhủ tới bạn nào muốn rời phố về quê sinh sống đó là bạn có thể chú ý đến công việc đầu tư này. Vì đất ở quê dễ mua, giá rẻ hơn ở thành phố rất nhiều, thủ tục cũng đơn giản hơn. Riêng với số vốn 100 triệu đồng trong năm đầu tiên đầu tư chung chúng tôi thu về được 150 triệu đồng, đây là một số lãi lớn hơn gấp nhiều lần cách đầu tư nào khác.
Tôi cũng muốn kể một bài học đắt giá về quản lý tài chính mà tôi từng mắc phải: Mua trả góp. Năm 2018 do cả hai vợ chồng đi làm ở hai quận khác nhau mà chỉ có một chiếc xe máy nên tôi quyết định mua trả góp. Và đây là quyết định mà đến hiện tại tôi vẫn… hối hận. Chiếc xe máy tôi mua có giá gốc là 23 triệu đồng, trả trước 7 triệu đồng, vay ngân hàng 16 triệu đồng trong 1 năm. Và con số sau khi trả xong vào cuối năm là hơn 28 triệu đồng. Tức lãi vay 16 triệu đồng trong vòng 1 năm là hơn 5 triệu đồng – một lãi suất ngất ngưởng mà tôi không bao giờ muốn mắc phải lần nữa.
- Chuyện xây nhà và chuyển về quê sống
Để nói rõ thêm câu chuyện làm thêm của mình, ngoài thời gian đi làm chính cả hai vợ chồng tôi đều làm thêm để tăng thu nhập. Như bạn đã biết, nếu lương cứng thì cả hai vợ chồng tôi cộng lại mỗi tháng thu nhập khoảng 17 triệu đồng và tiêu hết 12 triệu đồng, dư 5 triệu đồng. Rất may mắn, cả hai công việc của vợ chồng tôi đều có thể làm thêm kha khá.
Ví dụ, vợ tôi nhận làm thêm kế toán, kiểm tra sổ sách cho một số công ty nhỏ chỗ quen biết. Còn tôi nhận công việc viết bài Seo, viết báo cộng tác. Dù là công việc làm thêm nhưng mỗi tháng nếu cả hai chăm chỉ thì chúng tôi cũng kiếm được tầm 5 – 6 triệu đồng, con số mà đủ bù vào số tiền thâm hụt chi tiêu trước đó.
Đến năm thứ 3 sau ngày cưới, khi con gần 2 tuổi, chúng tôi quyết định xây nhà ở quê trên mảnh đất cũ của gia đình. Thời điểm đó trong tay chúng tôi có tầm khoảng hơn 350 triệu đồng tiền mặt và khoảng hơn 50 triệu từ vàng cưới mà chúng tôi luôn xem là tiền phòng thân. Lúc đó, tôi bàn với bố mẹ chuyện làm nhà và vay thêm khoảng 150 triệu đồng để xây căn nhà khoảng 500 triệu đồng. Tất nhiên, dù là vay người thân nhưng chúng tôi vẫn trả lãi như tiền lãi ngân hàng hằng tháng.
Mách nhỏ với bạn nhé, ở quê các gia đình khá giả một chút thường có tiền gửi ngân hàng, để mượn được bạn nên trả lãi cao hơn ngân hàng một chút. Cách vay này “dễ thở” hơn khi trong tay bạn không có sổ đỏ để vay ngân hàng nhé.
Bàn thêm một chút về kinh nghiệm xây nhà, để tính đúng và sát với chi phí dự định ban đầu, bạn nên cân nhắc 4 điều như sau:
(1) Tham khảo giá vật liệu xây dựng nhiều nơi để tìm nơi có giá mềm nhất;
(2) Tư vấn kinh nghiệm người xây nhà trước đó để tính được chi phí khi hoàn thiện;
(3) Thuê thợ chuyên nghiệm và làm hợp đồng rõ ràng, chi tiết, rất cần tránh thuê thợ quen, người thân vì sẽ rất khó rạch ròi chuyện tiền bạc thanh toán;
(4) Kiểm tra hóa đơn và giám sát vật liệu xây dựng kỹ càng (nói nhỏ với bạn đọc nhé, nếu bạn muốn xây nhà mà không phát sinh chi phí nhiều hãy thật cẩn trọng công đoạn này nha).
Hiện tại, vợ chồng tôi đang sống ở quê trong ngôi nhà mới xây dựng. Tất nhiên, chúng tôi vẫn nợ 150 triệu đồng tiền xây nhà nhưng không quá lo lắng về con số này. Nợ trả dần, cháo húp quanh, cha ông vẫn thường khuyên như thế và tôi ngẫm lại đó là điều đúng. Khi sống ở quê chúng tôi bớt được khá nhiều chi phí từ tiền thuê nhà cho đến rau củ, thực phẩm các loại.
Hơn nữa, sắp tới con gái tôi chuẩn bị vào mẫu giáo cũng đỡ tốn kém tiền học hơn ở phố. Tôi biết, chắc chắn phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng cả hai chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch để có thể sống được (sau đó mới đến sống tốt).
Cuối cùng, tôi luôn nghĩ rằng có một điều gì đó liên quan giữa lối sống và cách tiêu dùng. Việc chúng ta thay đổi một lối sống lành mạnh hơn từ những thói quen nhỏ nhặt cũng sẽ mang đến những thói quen tiêu dùng thông minh và tiết kiệm.
Người dự thi: Đặng Đức Lộc (30 tuổi, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
Bạn đang xem bài viết Giữa tâm dịch COVID, vợ chồng tôi bỏ Sài Gòn về quê, thay đổi lối sống nhờ biết tiêu tiền tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].