Thầy giáo cùng 7 người thân trong gia đình cùng nhau đăng ký hiến tạng

Cả gia đình 10 người của thầy Phạm Phúc Thịnh đều đồng lòng đăng ký hiến tạng để sự sống cứ thế được tiếp nối.

Các anh chị em và con cháu trong gia đình thầy Thịnh đăng ký hiến tạng

Từ gia đình lớn…

Vào dịp giỗ bà, cả gia đình Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh quây quần, cùng nhau ăn cơm. 

Tivi đang phát sóng một phóng sự về người đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não đã cứu sống được nhiều người bệnh.

Cả gia đình thầy Thịnh, từ nhỏ tới lớn rần rần tạm ngưng mẩu chuyện đang dang dở, cùng hướng mắt về phía màn hình nhỏ. Không còn câu chuyện riêng lẻ, họ cùng bàn luận về chủ đề chung: Đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não. 

Tivi văng vẳng câu chuyện: Hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép... Trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan. Nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.

Đó là cuộc tụ tập định kỳ của gia đình thầy Thịnh cách đây khoảng 5 năm, khi đó thầy còn là Phó Hiệu trưởng khối Phổ thông Trường Việt Mỹ. Nhưng sau buổi  đó, cả gia đình đồng lòng đưa ra một quyết định đặc biệt.  

Đồng lòng đưa quyết định hiến tạng sau khi qua đời, cả gia đình thầy Thịnh của một người trẻ tìm hiểu thông tin về thủ tục đăng ký hiến tạng, nơi nào cho phép đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời cũng như các thủ tục liên quan.

"Nếu thủ tục đơn giản thì mọi người cùng đi đăng ký", thầy Thịnh nhớ lại câu nói để đời. 

Cậu ấy đã đi tới Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy để đăng ký trước xem có gặp nhiều khó khăn như mọi người nghĩ không? 

"Chỉ mất 10 phút, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ lắm!", cậu nói với cả gia đình sau khi đi đăng ký hiến mô tạng "mẫu" cho cả nhà. 

Gia đình thầy Thịnh

Gia đình thầy Thịnh lựa chọn đăng ký hiến mô tạng tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy – một trong hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam.

10 thành viên trong gia đình thầy Thịnh hào hứng trước suy nghĩ mình sắp làm được thêm một điều có ý nghĩa cho cuộc đời. Tuy nhiên, chỉ có 8 người đủ tiêu chuẩn đăng ký hiến mô tạng bởi hai anh chị lớn của thầy Thịnh đều quá tuổi quy định (trên 60 tuổi).

Thầy Thịnh tâm sự với mẹ của mình ý định đăng ký hiến mô tạng của mình và con cháu bà. Thầy nhận được sự ủng hộ hết lòng từ bà. Trải qua nỗi đau mất chồng vì không tìm được người cho tuỷ phù hợp, bà hiểu được điều ý nghĩa mà những người thân trong gia đình sắp làm.  

"Chúng tôi được cha mẹ dạy rằng sống trên đời phải biết cho đi mà không mong nhận lại. Mình may mắn có được đôi mắt sáng, trái tim khỏe mạnh, sau khi chết đi mình không còn sử dụng được những hồng ân ấy nữa. Vậy tại sao không chia sẻ cho những người kém may mắn hơn?", thầy Thịnh thổ lộ.

… tới gia đình nhỏ

Sau khi đăng ký hiến mô tạng vào năm 2014, lần lượt 1 năm sau, 2 năm sau, thầy đưa hai người con của mình, một trai, một gái khi chúng đủ 18 tuổi đến Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy để biến suy nghĩ của mình thành hành động.

Thầy Phạm Phúc Thịnh không ngần ngại đăng ký hiến tạng

Trước đó, thầy đã rất khó khăn trong việc thuyết phục người vợ của mình cũng đăng ký hiến mô tạng cùng ba bố con. Chính quan điểm “chết phải toàn thây” đã khiến vợ của thầy không ủng hộ chồng con làm điều này.

Nhẹ nhàng, thầy Thịnh giải thích và bày tỏ nguyện vọng của mình cho bà xã hiểu.

"Con người lúc xuôi tay nhắm mắt rồi sẽ chẳng thể mang theo được gì sang thế giới bên kia. Nếu biết trái tim hay quả thận của mình đang có người sử dụng thì xem như người thân mình vẫn tồn tại, sự sống cứ thế được tiếp nối, còn gì hạnh phúc bằng…", thầy Thịnh tâm sự.

Sau một hồi tỷ tê, cuối cùng, thầy Thịnh cũng được nhận lại nụ cười ủng hộ từ người vợ của mình.

Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, ba bố con thầy Thịnh chẳng phút giây ngần ngừ mà liền tay tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời.

Thầy Thịnh cùng mẹ và 2 con của mình

Cầm tấm thẻ Đăng ký hiến tạng trên tay, thầy Thịnh như vỡ oà khi vừa làm được một điều gì ý nghĩa lắm. Nhìn vào mắt các con, thầy căn dặn chúng phải luôn mang theo tấm thẻ giá trị này bên người.

Để phòng khi xảy ra chuyện gì ảnh hưởng tới tính mạng thì chiếc thẻ này chính là “tiếng nói” gửi tới đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng. Họ sẽ thông báo cho Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người để tiếp nhận, bảo quản và tiến hành lấy tạng để ghép cho người bệnh phù hợp.

Thầy khuyên mọi người ăn uống lành mạnh, giữ gìn sức khoẻ, không hút thuốc, uống rượu, rèn luyện thể dục thể thao để có một cơ thể khoẻ mạnh, các bộ phận cơ thể mình tốt.

Bây giờ, thầy Thịnh và những người thân yêu của mình như mang một trọng trách lớn lao hơn.

Tú Anh-Ảnh:NVCC/giadinhmoi.vn

Tin liên quan