Thải độc bằng cách nhịn ăn, rửa ruột, uống nước chanh, mật ong... không tốt như bạn nghĩ

Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, trên mạng xã hội có nhiều tranh luận về một số phương pháp thải độc (detox) với mục đích chữa bệnh như uống dầu dừa, dầu olive, uống nước chanh pha muối hoặc mật ong, uống vài lít nước một ngày, hoặc nhịn ăn, hoặc rửa ruột bằng nước muối…

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng

Trong bài viết này, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Paris (Pháp) đã đưa ra những quan điểm của mình về việc ‘thải độc chữa bệnh’ để giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng cho rằng: ‘Bên detox chủ yếu truyền đạt kinh nghiệm của bản thân và có đưa ra một số tác giả, trang web để chứng minh.

Khách quan mà nói thì mình thấy có sự quá đà, chủ quan khi sử dụng kinh nghiệm cá nhân và một số tác giả để đưa vào chữa nhiều thứ bệnh, thậm chí cả bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhiễm trùng nặng...

Bên bác sĩ muốn vạch trần sai lầm của nhóm thải độc, về những mối nguy hiểm của việc áp dụng thải độc tràn lan và đồng thời họ đòi hỏi bằng chứng khoa học của phương pháp này.  Cùng lúc đưa ra rất nhiều kinh nghiệm / lập luận lâm sàng, y học, sinh lý học, bệnh lý học...

Được sự đồng ý của bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết này:

Sau đây là một số ý kiến của cá nhân tôi về vấn đề tranh cãi:

- Nếu xét theo y học chính thống thì những ý kiến các anh chị bác sĩ đưa ra hầu hết là đúng cả. Vì nếu theo đúng chuẩn mặt khoa học y học, thì một phương pháp chữa bệnh muốn được áp dụng cho nhiều người cần phải được chứng minh qua nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm... theo đúng quy trình, không thể chỉ đi theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

Bản thân tôi không tin là có phương pháp nào thần thánh đến mức có thể chữa được hết (hoặc gần hết) các loại bệnh nên nếu ai hỏi ý kiến có nên dùng phương pháp này hay không, tôi luôn khuyên cần hết sức cẩn trọng.

Quan điểm của tôi là cách chữa bệnh tốt nhất là cách chữa bằng phối hợp vài/ hoặc nhiều phương pháp/ bình diện sau: y học hiện đại kết hợp chế độ ăn uống; luyện tập, lối sống lành mạnh kết hợp y học cổ truyền hoặc y học xen kẽ, thay thế (alternative) và sự bình an của tâm hồn, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, lòng tin vào thầy thuốc, vào phương pháp mình lựa chọn…

Cách chữa bệnh tốt nhất là xây dựng một chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý

Nhận xét của tôi về một số phương pháp đang được tranh cãi là như sau: 

Phương pháp uống dầu olive hoặc phương pháp thải độc giảm cân bằng nước mía và chanh, gừng, ớt… là phương pháp rất đặc thù nên cần nghiên cứu và cân nhắc cẩn thận trước khi áp dụng.

Phương pháp rửa ruột bằng cả lít, thậm chí mấy lít nước trong một lần tôi cũng thấy không tin tưởng, vì rửa ruột kiểu đó có thể ‘sạch’ ruột trong lúc đó thật, nhưng mà nó có hệ luỵ là có thể làm cơ thể bị rối loạn điện giải và nhân tiện ‘rửa sạch’ ruột trong thời gian ngắn.

Hơn nữa, cường độ cao như vậy thì có thể sẽ quét luôn cả các vi sinh vật có lợi trong đường ruột. Thêm nữa nếu lỡ là người có vấn đề về tim mạch, huyết áp... thì có thể gây rối loạn cân bằng nội môi rất nguy hiểm.

Riêng thải độc tẩy sỏi gan tôi cũng đồng tình với nhiều bác sĩ, là phương pháp này rất đáng ngờ. Một là đường mật và các mạch máu trong gan bé xíu, làm sao chỉ chỉ dùng phương pháp uống mà ‘đẩy’ được những ‘hòn sỏi’ to thế ra ngoài được?

Hai là nếu một người bình thường mà chứa trong gan và mật từng đó sỏi, thì thường là phải có biểu hiện lâm sàng như vàng mắt, vàng da, ăn uống khó tiêu, thậm chí có thể rất đau đớn khó chịu. Như vậy, tôi nghĩ có thể đây chỉ là một số cặn thức ăn bị vón lại dưới tác dụng của dầu và nước chanh mà người ‘thải độc’ uống vào trong lúc đói.

Cá nhân tôi thì được đào tạo Tây y, nhưng nếu nói về detox nói chung thì tôi chọn đứng lệch sang một bên. Vì hiện nay vấn đề thải độc, để cơ thể nghỉ ngơi, sử dụng một số men vi sinh, men trợ sinh, hoặc thay đổi chế độ ăn uống để làm ổn định môi trường đường ruột, tăng cường sức khoẻ là vấn đề đang có nhiều người nghiên cứu, thử nghiệm... khi ta chưa thể chứng minh được là phương pháp đó sai 100% thì cũng chưa thể bác bỏ nó hoàn toàn. Và khi đó cuộc tranh luận cần được để ngỏ…

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi đã từng chứng kiến người thân của mình bị viêm dạ dày và viêm đại tràng mãn tính chữa theo Tây y và uống nghệ mật ong suốt gần một năm không khỏi.

Sau đó chữa bằng thải độc theo chu trình ba ngày (ngày thứ nhất uống nước chanh mật ong hoặc muối, nước cháo và tập yoga; ngày thứ hai chỉ tập yoga, nghỉ ngơi, uống nước chanh với chút muối và mật ong; ngày thứ ba quay lại chế độ như ngày thứ nhất). Sau đó thì ăn uống từ từ trở lại. Và bệnh đã khỏi hẳn sau vài chu trình nhịn ăn, thải độc như vậy. Giờ đã được 26 năm chưa bao giờ bị viêm lại.

Và trong thời gian vào những năm 2000, trong lớp tập yoga tôi cũng đã từng gặp vài người chữa được bệnh mãn tính bằng tập luyện và thải độc.

Thải độc đúng cách có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Vì vậy tôi không phản bác phương pháp detox một cách chung chung.

Về nguyên tắc thì uống cái này cái kia là để điều chỉnh lại sự mất cân bằng nào đó trong cơ thể, ví dụ như nóng quá, lạnh quá (theo Đông y), thừa đường, thừa chất béo, chất đạm..., hoặc đường ruột kém lưu thông, quá tải, loạn khuẩn…

Vì vậy, có một số phương pháp có thể áp dụng cho người khoẻ mạnh, hoặc người bị bệnh mãn tính không thuộc diện hiểm nghèo nào đó. Ví dụ trong phương pháp đơn giản, dễ làm, và có nhiều người có kết quả tốt là uống hàng ngày hoặc theo liệu trình ngắn.

Ví như trong mùa đông lạnh và mùa xuân ẩm ướt thì có thể ăn, uống một số loại thực phẩm ấm áp như chè vừng đen, sắn dây và đường đỏ, hoặc hạt sen với đường đỏ thêm vài lát gừng… hoặc nước gạo rang, đỗ rang, nước cà rốt nấu nhừ, nước ấm pha mật ong, trà hoa cúc, trà xanh ấm…

Mùa hè có thể uống xen kẽ hàng ngày các loại nước mía, nước dừa, nước atisô, trà xanh, hoa quả, chanh cam pha với nước trắng và thêm chút lá bạc hà...

Tuy nhiên nếu có bệnh nào đó thì vẫn cần lưu ý:

Thực hiện nghiêm túc, có quan sát diễn biến của cơ thể một cách kĩ lưỡng, cẩn trọng. Sẵn sàng ngừng lại nếu có diễn biến xấu của cơ thể ví dụ tiêu chảy, ăn uống kém, mệt mỏi, đau bụng hoặc khó chịu ở một bộ phận cơ thể nào đó.…

Có sự kiểm tra, theo dõi lâm sàng và cận lâm sàng (xét nghiệm) cẩn thận.

Thực hiện từ từ, tăng dần về liều lượng, thời gian...

Hãy lựa chọn phương pháp có cơ sở khoa học, không nên theo chủ nghĩa kinh nghiệm một cách mù quáng, hoặc áp dụng đại trà một cách bừa bãi cho bất cứ ai. Vì mỗi cơ thể hay thể trạng đều là khác nhau.

Nên lựa chọn phương pháp thải độc có cơ sở khoa học để không gây nguy hại cho sức khỏe

Một số nghiên cứu mới về hệ tiêu hoá

Từ khoảng 20 năm trở lại đây trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh một cách rõ ràng mối liên quan giữa tình trạng của đường ruột (hay nói rộng ra là hệ tiêu hoá) với các bộ phận khác trong cơ thể và một số bệnh.

Trên trang của Viện Sức khoẻ và Nghiên cứu y học Quốc gia của Pháp (INSERM) có đăng bài điểm qua một số nghiên cứu liên quan tới  hệ vi sinh vật đường ruột. Có thể tóm tắt vài ý chính trong bài viết này như sau:

Hệ vi sinh vật đường ruột có số lượng khoảng từ 1012 đến 1014 vi sinh vật, nhiều hơn gấp từ 2 đến10 lần số lượng tế bào tạo nên cơ thể. 

Với số lượng khoảng 200 triệu neurones có nhiệm vụ bảo đảm vận động của đường ruột và vận chuyển thông tin từ ruột đến não, đường ruột được một số nghiên cứu coi như là bộ não thứ hai của cơ thể. 

Ngày càng có nhiều nhà khoa học chú ý tìm hiểu mối liên quan đến sự bất ổn của hệ vi sinh vật đường ruột tới một số bệnh tự miễn hoặc viêm mãn tính. Ví dụ bệnh viêm đường ruột mãn tính (Crohn). Hoặc một số bệnh thần kinh hay tâm thần như tâm thần phân liệt, parkinson. Hoặc một trong những nguyên nhân của tiểu đường thứ phát, béo phì…

Vào năm 2014, bác sĩ người Đức Giulia Enders đã xuất bản cuốn sách ‘Darm mit Charme’ (Charme discret de l’intestin) ( đã được dịch ra tiếng Việt với tên là ‘Ruột ơi là ruột’) . Trong đó có giải thích về ảnh hưởng của chế độ ăn uống, thức ăn… đến hệ vi sinh vật đường ruột và mối liên quan của nó đến một số bệnh…

Từ các nghiên cứu đầu tiên này, người ta bắt đầu phát triển các phương pháp trị liệu đường ruột cho một số bệnh vừa nêu và đã thu được những thành công ban đầu bằng cách điều chỉnh chế độ ăn tạo điều kiện cho sự phát triển và ổn định hệ vi sinh vật đường tiêu hoá, dùng kháng sinh nhằm vào yếu tố gây loạn khuẩn đường ruột, dùng men tiêu hoá, men vi sinh...'. 

    

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan