Thạc sĩ - Giảng viên tiếng Anh nói về chuyện 'người dạy tiếng Anh' chửi học viên 'óc lợn'

GV ThS. Vũ Văn Duy - Thạc sĩ Ngôn ngữ học Ứng dụng và Giảng dạy tiếng Anh, Đại học Lancaster (Anh Quốc) chia sẻ quan điểm về vụ việc một 'người dạy tiếng Anh chửi học viên thậm tệ với ngôn từ không thể chợ búa hơn'.

Bài liên quan

Không phải ai nói liến thoắng tiếng Anh là dạy được tiếng Anh

Làm giáo dục không đơn giản như nhiều người nghĩ, nhất là dạy tiếng Anh. Nếu người nào đi học tiếng Anh mà cứ nghĩ ai nói liến thoắng tiếng Anh (như Tây) hay có mấy chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC điểm cao chút là giỏi, là dạy được tiếng Anh thì đừng hỏi tại sao việc học tiếng Anh của mình bị chậm và kém hiệu quả.

Ở những nước phát triển thì để trở thành giáo viên ngoại ngữ chính thức ngoài việc khả năng ngôn ngữ tốt ra giáo viên cần phải được đào tạo về phương pháp dạy (có chứng chỉ hợp lệ).

Ở Việt Nam thì giờ dạy tiếng Anh như thành trào lưu.

GV ThS. Vũ Văn Duy

Ở Việt Nam thì giờ dạy tiếng Anh như thành trào lưu. Nhiều người cũng đi du học Tây Tàu về nhưng toàn những ngành không liên quan xong đi dạy tiếng Anh và quảng cáo đi du học.

Tôi sẽ chẳng có ý kiến gì nếu những người đó tự trau dồi chuyên môn và đi học thêm về phương pháp giảng dạy để hiểu được tâm lý người học, về những khái niệm cơ bản trong giảng dạy và nắm được những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất cho từng đối tượng học.

Ngoài kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy ra thì còn một điều quan trọng nữa trong làm giáo dục đó là cái tâm hay đạo đức nghề nghiệp. Làm việc không có tâm, không có đạo đức thì chỉ có thể ăn xổi chứ không lâu bền được.

Đương nhiên để chiều lòng tất cả học sinh là điều không thể, nhưng mỗi giáo viên có trình độ chuyên môn, có phương pháp và có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ tự biết mình cần làm gì để trụ vững trong nghề.

Tôi được đào tạo về sư phạm nói chung và sư phạm tiếng Anh nói riêng ở Mỹ, Anh, và cả ở Việt Nam, được học với giáo viên đến từ các nước phát triển và hệ thống giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc, Canada...và tôi phải khẳng định luôn từ đầu quan điểm của tôi là hành vi chửi bới xúc phạm học viên trước lớp bằng những ngôn từ chợ búa của người dạy tiếng Anh kia là hoàn toàn phản sư phạm, sai không có gì để bào chữa biện minh.

Chẳng ở nền giáo dục tiên tiến hay phương pháp giảng dạy nào chấp nhận hay khuyến khích hành vi xúc phạm miệt thị học sinh như vậy.

Nếu là ở cuộc sống cá nhân thì việc cãi chửi nhau không có gì để nói vì đó là việc riêng của mỗi cá nhân, nhưng nếu trong môi trường sư phạm hay trong lớp học mà giáo viên chửi học sinh trước mặt những học sinh khác như chợ búa thì không thể chấp nhận được.

Bún chửi, cháo chửi và... dạy chửi

Ở Việt Nam mình rất lạ, chắc thuộc vào hàng hiếm trên thế giới, bởi lẽ lại có tồn tại những khái niệm như bún chửi, cháo chửi và nay cả dạy chửi.

Ngạc nhiên thay vẫn có những người thích ăn bún chửi, cháo chửi (đi ăn và để nghe chửi). Càng kinh ngạc hơn là có những người bênh vực dạy chửi và coi đó là 1 phương pháp giảng dạy (thậm chí coi việc chửi khi dạy là bình thường)?

Trên thế giới không tồn tại phương pháp giảng dạy nào như vậy. Kỷ cương kỷ luật không nhất thiết phải bằng chửi bới hay đòn roi bởi đó là sự xúc phạm, chà đạp nhân phẩm, nhân quyền của người khác.

Bản thân những người ăn bún chửi, cháo chửi hay chấp nhận việc dạy chửi đang tự hạ thấp giá trị của bản thân mình, cho người khác quyền xúc phạm mình - điều này không bao giờ thấy ở những nước phát triển mà tôi được học và được biết.

Học sinh, sinh viên hành vi cư xử không đúng mực xưa nay không phải là chuyện hiếm gặp gì. Tôi từng gặp không ít những trường hợp như vậy và nhiều khi tôi cũng rất ức chế. Tôi rất hiểu sự ức chế của những giáo viên nhiều khi tâm huyết với học sinh nhưng đổi lại nhận được sự thờ ơ hay lạnh lùng của học sinh.

Nhưng tôi sẽ không lựa chọn đẩy sự việc đi quá xa để rồi xúc phạm học sinh ngay trước mặt như vậy. Nếu chỉ bảo nhẹ nhàng không nghe tôi sẽ lựa chọn im lặng để học sinh tự ngẫm và tự hiểu (dù có thể rất lâu sau này các bạn ấy mới hiểu). Và tôi thích dùng khen thưởng, động viên cho những học viên thái độ tốt hơn là trừng phạt những học viên chưa có ý thức tốt.

Thực ra học viên các lớp ngoài chính quy đi làm bận rộn tôi rất hiểu vì rất nhiều học viên của tôi như vậy. Tôi có nhiều học viên làm bác sĩ rất bận, thường xuyên phải đi trực hoặc gặp những ca cấp cứu thậm chí đang trong giờ học phải xin phép về để xử lý công việc.

Tôi thích dùng khen thưởng, động viên cho những học viên thái độ tốt hơn là trừng phạt những học viên chưa có ý thức tốt.

GV ThS.  Vũ Văn Duy

Tôi hiểu và cảm thông với học viên nên không trách mắng gì và nguyên tắc tôi đặt ra cho từng lớp là nếu học viên quên làm bài tập hay nghỉ nhiều tôi đều bố trí lại cho học lại một lớp khác miễn phí (bởi lẽ không làm bài tập hay nghỉ nhiều thì việc học sẽ không hiệu quả).

Khi học sinh của tôi không làm bài tôi luôn hỏi lý do trước xem có nguyên nhân gì không. Nếu là bận công việc hay bận việc đột suất không thể tránh khỏi tôi sẽ cho học viên thêm thời gian để hoàn thiện bài tập được giao.

Còn nếu học viên không làm vì lười và không có hứng thú làm thì chính bản thân tôi là giáo viên sẽ trò chuyện với học viên để tìm hiểu xem tôi có thể làm gì để giúp được học sinh chăm hơn hay có hứng thú làm bài hơn (đôi khi học viên không làm bài vì bài quá khó với trình độ học viên, hoặc học viên chưa hiểu rõ yêu cầu của bài).

ThS. Vũ Văn Duy/giadinhmoi.vn

Tin liên quan