Đây là quan điểm giáo dục khái quát được thể hiện cụ thể trong cuốn sách “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con” viết bởi tác giả Ibuka Masaru – người đứng đầu công ty điện tử nổi tiếng thế giới Sony.
Ibuka Masaru cũng là tác giả cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” – đây là một tuyên ngôn về giáo dục trẻ nhận được đánh giá cao từ nhiều phương diện, đặc biệt cuốn sách không chỉ dừng lại trong phạm vi nước Nhật mà còn lan rộng ra nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Ý, Đức, Tây Ban Nha. Các bản dịch đều được lấy nguyên tiêu đề của cuốn sách.
Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con là sự tiếp nối và rút ngắn thêm quan điểm giáo dục được tác giả người Nhật khẳng định trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”. Và điểm quan trọng của cuốn sách thứ hai tác giả muốn nói là “Nói gì đến mẫu giáo, từ 3 tuổi mới bắt đầu dạy trẻ cũng đã muộn rồi”.
“Thời kỳ khuôn mẫu” quyết định con người
“Thời kỳ khuôn mẫu” theo tác giả Ibuka Masaru là giai đoạn trẻ từ 0 – 2 tuổi. Đây là thời kỳ có ý quan trọng đối với sự phát triển sau này của trẻ. Đặc biệt lúc này trẻ chưa phản kháng gì, nên để dạy trẻ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần cho bé nhớ.
Ở “thời kỳ khuôn mẫu”, bộ não của trẻ có cách tiếp nhận thông tin khác so với thời kỳ khác. Ông Ibuka Masaru đưa ra ví dụ, khi trẻ 3-4 tháng tuổi hoặc chậm nhất là 5-6 tháng tuổi là các bé bắt đầu biết “lạ”, nghĩa là trẻ “biết phân biệt được khuôn mặt của mẹ với người khác và khóc khi người lạ bế”.
Thực tế đây không phải là hành động đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Bởi nếu “Thử cho máy tính thực hiện một yêu cầu như thế sẽ thấy, phải là loại máy vô cùng tân tiến và phải tốn đến vài tỉ yên" (1 tỷ yên tương đương 21 tỉ VND).
Theo tác giả Ibuka Masaru, sở dĩ trẻ nhận biết được chỉ trong khoảnh khắc là vì “em bé không phân tích ra từng chi tiết khuôn mặt để ghi nhớ, mà ghi nhớ trên tổng thể gương mặt mẹ”. Đây được gọi là “nhận thức khuôn mẫu” và khả năng này phát triển một cách vượt trội ở trẻ.
Điều này cũng giải thích, sở dĩ chúng ta có thể nói tiếng Việt là vì từ lúc sinh ra hàng ngày đã được nghe lặp đi lặp lại quen tai, “và đối với các kích thích lặp đi lặp lại từ lúc 0 tuổi này, các tuyến của tế bào não đã ghi nhận thành một khuôn mẫu”.
Đặc biệt, tác giả cuốn sách nhấn mạnh với giao dục giai đoạn khuôn mẫu, chỉ có mẹ mới làm được. Giai đoạn từ 0 đến 1 – 2 tuổi là giai đoạn phát triển sinh lý và thể chất, do đó, không nên để bé phải xa vòng tay của mẹ. “Và chỉ có duy nhất mẹ là người có thể bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, không chán nản, thường xuyên lặp đi lặp lại một việc để dạy cho bé với tất cả tình yêu thương con sâu sắc”..
Giáo dục kỳ vọng vào thành công sẽ không thể thành công
Hiện nay, nhiều cha mẹ cho rằng, giáo dục trẻ trong giai đoạn ấu thơ là “đặt sẵn một tấm vé” cuộc đời để con mình sau này dễ dàng vào được trường học danh tiếng, công ty tốt”.
Tuy nhiên, theo tác giả Ibuka Masaru, việc giáo dục trẻ trong giai đoạn này là để tạo nền tảng giúp trẻ trở thành người có năng lực, có đạo đức, chứ tuyệt nhiên không phải giáo dục nhằm vào trường chuyên lớp chọn như cha mẹ ảo tưởng.
Cũng không ít phụ huynh phản biện cho suy nghĩ ấy rằng là “vì con cái”. Nhưng thực tế trong chữ “vì con” còn kèm theo những kỳ vọng phức tạp khác của cha mẹ. “Thậm chí nói thẳng ra là các bạn muốn con thành công, rồi đổi lại con sẽ phải trả ơn cho các bạn cuộc sống an hưởng lúc tuổi già”.
Một điều các cha mẹ cần nhìn nhận là, “thành công” thực sự nếu có thể dễ dàng có được nhờ vào “tấm vé đặt trước” thì thành ra lãng phí, bởi cha mẹ chỉ có thể yên tâm về con khi sự thành công ấy phải chính do con chiến đầu và giành được, chứ không phải do cha mẹ vẽ ra.
Biết tiếng mẹ đẻ rồi mới dạy tiếng nước ngoài thì quá muộn
Việc dạy tiếng nước cho trẻ sớm hiện nay có nhiều tranh cãi. Bởi nhiều người cho rằng, nếu dạy ngoại ngữ cho trẻ khi tiếng mẹ đẻ còn chưa sõi thì dễ dẫn đến tình trạng “xôi hỏng bỏng không”, đến tiếng mẹ đẻ cũng nói không chuẩn
Tuy nhiên, theo tác giả cuốn sách Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con, trong độ tuổi từ 0- 3 tuổi, các tuyến tế bào não vẫn chưa phát triển hết. Đăc biệt trẻ có khả năng nhớ được nhiều thứ tiếng cùng một lúc.
Thậm chí, theo báo cáo từ các bà mẹ thực hiện nghiên cứu ngôn ngữ cho thấy, “phát âm tiếng Anh của những đứa trẻ vừa sinh ra đã được cho nghe tiếng Anh chuẩn hơn nhiều so với cả cha mẹ đã có thời gian học tiếng Anh trên 10 năm”. Vì vậy, với trẻ con học ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt. Nếu đầu tiên chỉ được học một ngôn ngữ, thì bộ não trẻ sẽ bị đóng khung với ngôn ngữ đó.
Điều này không chỉ giới hạn trong việc học ngoại ngữ mà còn đúng trong nhiều lĩnh vực khác. Tác giả cuốn sách đưa ra ví dụ, tại Mỹ người ta cũng thử nghiệm cho trẻ tập trượt băng ngay khi trẻ bắt đầu chập chững tập đi. “Kết quả cho thấy, so với việc bắt đầu sau khi đã biết đi thì bắt đầu sớm như thế tiến bộ nhanh hơn rất nhiều”.
Thục Linh