Lỗ mũi, bàn chân, chiếc răng hay chuyện xị hơi, chuyện đi ị là một bộ phận hay một hoạt động bình thường của con người nhưng bản thân chúng đều mang một câu chuyện vô cùng thú vị được kể qua mà cha mẹ có thể cùng trẻ khám phá.
Chuyện xì hơi
Cuốn sách được viết bởi tác giả Shinta Cho, sinh năm 1927. Shinta Cho từng nhận giải thưởng manga Xuân Thu Nghệ thuật với tác phẩm “Trứng chiên hay nói”; giải thưởng văn học xuất bản của Nhà xuất bản Kodansha với tác phẩm “Xuân đến – dì về nhà”, và nhiều tác phẩm khác nhơ “Chiếc xe của gấu trúc”, “Lão giun già”…
Đối với trẻ, sự tò mò với thế giới là không giới hạn, đặc biệt là những biểu hiện trên cơ thể mình. Chuyện xì hơi không phải là ngoại lệ.
Tuy rằng với người lớn, việc đánh rắm khá tế nhị nhưng một đứa trẻ cần thiết hiểu về nguyên lý của hiện tượng này. Cuốn sách của Shinta Cho sẽ đưa ra những kiến thức bổ ích dưới giọng văn hài hước cùng hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
Cuốn sách "Chuyện xì hơi" được viết bằng giọng văn hài hước sẽ khiến trẻ thích thú
Mọi người đều biết rằng rắm có mùi thối, nhưng không phải ai cũng hiểu nguyên do. Tác giả cuốn sách giải thích: “Rắm bao gồm một phần không khí đã đi vào từ đường miệng và khí được sinh ra ở ruột già.
Khí được sinh ra ở ruột già đó được tạo ra do thức ăn còn lại sau khi đã tiêu hóa bị phân hủy ở ruột già, bốc mùi, rồi trở thành phân. Vì vậy, nên rắm mới có mùi thối”.
Với lời văn hài hước, cuốn sách sẽ khiến trẻ thích thú và tò mò về việc tại sao con người lại đánh rắm và các loại vật khác có đánh rắm không?
Câu trả lời là, khi con người hay động vật ăn uống, không khí tràn vào qua đường miệng; việc ợ hơi hay đánh rắm là khi không khí đang thoát ra. Và cũng như con người, con voi cũng đánh rắm
Một điều mà không phải các cha mẹ đều biết, là “nếu nhịn đánh rắm, chúng ta sẽ bị đau bụng, chóng mặt và đau đầu nữa”. Bằng giọng vô cùng đáng yêu sẽ khiến trẻ vui thích, tác giả nhắn nhủ “Vì vậy, cứ đánh rắm mà không cần cố nhịn nhé?”. Và nếu một người “sau khi phẫu thuật mà đánh rắm được, nghĩa là ruột đã hoạt động bình thường”.
“Chuyện xì hơi” kết thúc bằng một câu chuyện khá thú vị với trẻ, rằng “con chồn hôi và con bọ xì hôi tự bảo vệ mình bằng một túi nước rất hôi ở hậu môn. Nhưng đấy không phải rắm đâu.”
Câu chuyện về bàn chân
“Hãy để chân trần và đọc cuốn sách này nhé?” là câu nhắn nhủ ngay trang đầu cuốn sách mà tác giả gửi Gen-ichiro Yagyu tới các độc giả nhỏ và các cha mẹ.
Nếu “Chuyện xì hơi” khiến trẻ thích thú về sự thật qua giọng văn hài hước thì “Câu chuyện về bàn chân” sẽ khiến trẻ ngạc nhiên và tò mò về kiến thức lịch sử liên quan đến bàn chân con người.
Qua hình ảnh minh họa trong cuốn sách, cha mẹ dễ dàng giải thích cho trẻ rằng, tổ tiên của loài người sống trên cây, nên bàn tay và bàn chân đều giống hệt nhau. Sau này, họ chuyển từ trên cây xuống mặt đất để đi lại, chạy nhảy,… nên bàn chân dần tiến hóa như ngày nay.
Giúp trẻ khám phá sự thú vị của bàn chân qua cuốn Ehon khoa học "Câu chuyện về bàn chân"
Bàn chân của con người rất nhạy cảm. “Trên bãi cỏ, bàn sẽ cảm thấy gờn gợn, nhưng cảm giác thật sảng khoái”, bàn chân sẽ cảm thấy rất nóng khi ở trên cát nóng. Bàn chân cũng có thể giúp chúng ta đoán ra đồ vật đang va phải dù trong hành lang tối thui.
Một sự thật thú vị là, khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất, không có nghĩa là toàn bộ lòng bàn chân sẽ chạm đất, “phần không tiếp xúc với mặt đất gọi là gan bàn chân”.
Và bàn chân của trẻ sơ sinh chưa có gan bàn chân. “Người càng đi nhiều thì gan bàn chân càng to, chân khỏe hơn và sẽ không bị mệt mỏi khi đi bộ đường dài”.
Như thấu hiểu nỗi lo lắng của các bạn nhỏ, tác giả nhắn nhủ rằng, ”Điều đó không có nghĩa là gan bàn chân nhỏ thì không tốt. Vậy nên các bé không cần lo lắng gan bàn chân của mình nhỏ thì đi bộ sẽ nhanh mệt đâu nhé!”
Câu chuyện về lỗ mũi
Cuốn sách khoa học về lỗ mũi của tác giả Gen-ichiro Yagyu sẽ giúp trẻ có thêm nhiều hiểu biết về chính cơ thể mình.
Trước tiên, bé sẽ biết lỗ mũi cũng có kích thước và hình dáng khác nhau. “Hầu hết các loài động vật đều có 2 lỗ mũi”. Ngựa, voi, lợn rừng, rùa, lạc đà hay chó,… đều có 2 lỗ mũi. Nhưng “cũng có loài chỉ có một lỗ mũi đấy”, đó là mũi của cá heo. Lỗ mũi của cá heo thì nằm ở trên đầu.
Cuốn sách "Câu chuyện về lỗ mũi"
Qua cuốn sách, các bé sẽ biết mũi của hải cẩu có thể “mở thật to, cũng có thể đóng thật chặt”. “Như vậy, khi lặn xuống nước thì nước không vào mũi được”. Còn lỗ mũi của con người thì sao? “Có thể mở to hơn một chút, khép lại hơn một chút”.
Đặc biệt, “Câu chuyện về lỗ mũi” sẽ giúp bé hiểu, lỗ mũi có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là hít thở không khí, đồng thời nhận biết các mùi xung quanh.
“Trong mũi thì có lông mũi. Lông mũi có nhiệm vụ ngăn cản bụi bẩn trong không khí khi chúng mình hít thở”. Trường hợp, có vật lạ lọt vào mũi thì con người sẽ hắt xì để đẩy vật đó ra ngoài.
Có nhiều trẻ sẽ thắc mắc với cha mẹ tại sao trong mũi lại có gỉ mũi. Cuốn sách này sẽ cho trẻ câu trả lời. “Gỉ mũi là hỗn hợp của bụi bẩn và nước mũi, kết lại thành một khối” và “gỉ mũi là bụi bẩn nên chúng rất bẩn”.
Thêm nữa, bằng giọng đùa đáng yêu, nếu nhét hạt cây vào lỗ mũi và cứ để đó, hạt sẽ nảy mầm và mũi sẽ rất đau, tác giả Gen-ichiro Yagyu giúp trẻ có ý thức bảo vệ và giữ vệ sinh cho lỗ mũi của mình.
Tất cả đều đi ị
Các bậc cha mẹ sẽ không ít lần lung túng khi con hỏi “vì sao con phải đi ị?” hay “rắn có đi ị không?”. Cuốn sách “Tất cả đều đi ị” của tác giả Taro Gomi sẽ giúp cha mẹ giải đáp cho con những vấn đề “nhạy cảm “ này.
Bằng giọng văn chân thật và hài hước, tác giả giải thích cho các bé “con voi thì ị cục phân to, con chuột thì ị cục phân nhỏ”. Và “cá cũng ị”, “cả chim cũng ị”, “cả bọ cũng ị nữa”.
Cuốn sách "Tất cả đều đi ị"
Cuốn sách giúp trẻ phân biệt sự khác nhau của hoạt động này ở người và các loại vật. Hà Mã thì “đứng lại để ị”, hươu sẽ “vừa đi vừa ị”. Con người với sự tiến hóa và văn minh hơn, hoạt động này diễn ra kín đáo và ở một nơi cố định. Điều này sẽ giúp cha mẹ giải thích câu hỏi “tại sao phải ị vào bô” của trẻ.
Vốn là vấn đề “nhạy cảm” với người lớn, nhưng cuốn sách chân thật và gần gũi này sẽ giúp cha mẹ dễ dàng giải thích với trẻ đồng thời khiến trẻ thích thú tìm hiểu.
Về tác giả Taro Gomi, ông sinh ra tại Tokyo, tốt nghiệp khoa ID Viện nghiên cứu thiết kế Kuwasawa. Sau khi tốt nghiệp, ông làm nhiều nghề khác nhau liên quan tới thiết kế như thiết kế sách báo,…
Năm 1973, ộng được biết đến như tác giả Ehon với tác phẩm “Con đường”. Hiện nay, ông đã có hơn 400 cuốn Ehon. Ông nhận nhiều giải thưởng lớn cho các tác phẩm của mình.
Chuyện những chiếc răng
Sâu răng là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, bởi các bé thường thích ăn đồ ngọt cũng như các đồ ăn vặt nhưng lại "làm lười" không vệ sinh răng thường xuyên.
Cuốn sách “Chuyện những chiếc răng” của tác giả Satoshi Kako kể câu chuyện về một em bé do hay ăn đồ ngọt mà bị sâu răng phải đến gặp bác sĩ, giúp cha mẹ dễ dàng thay đổi nhận thức và thói quen của trẻ đối với việc ăn các đồ ăn vặt cũng như tầm quan trọng của việc đánh răng thường xuyên.
"Chuyện những chiếc răng" gửi đến trẻ thông điệp về ý thức vệ sinh răng miệng
Cuốn sách giải thích “Khi chúng ta ăn, những cặn thức ăn còn sót lại sẽ bám xung quanh răng. Những cặn thức ăn này sẽ là nguồn thức ăn cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.
Vi khuẩn sẽ tạo ra axit bào mòn dần chiếc răng khỏe mạnh của chúng ta”. Dần dần trên răng sẽ xuất hiện các lỗ nhỏ, đó chính là những chỗ răng bị sâu.
“Vậy để răng không bị sâu thì phải làm thế nào nhỉ?”, câu hỏi không chỉ gợi sự tò mò của trẻ mà còn là cơ hội đưa ra giải pháp cho trẻ “đó chính là đánh răng”. Nhưng vẫn còn vấn đề khó khăn hơn “vì sao có những người đánh răng thường xuyên mà vẫn bị sâu răng nhỉ?”
Và câu trả lời mà tác giả đưa ra nhẹ nhàng đánh đúng vào tâm lý của trẻ. “Các bé hay ăn kẹo, uống nước hoa quả và nhai kẹo cao su đúng không nào?”, những đồ ăn trên đều chứa đường, khi vào miệng sẽ chuyển thành axit, “axit sẽ bào mòn răng và tạo ra các lỗ nhỏ trên răng”.
Qua đó, cha mẹ sẽ giúp trẻ ý thức được “nếu đánh răng thường xuyên và không ăn đồ ngọt, răng bé sẽ không bị sâu”.
Chiếc hộp cứu thương
Cuốn sách được viết bởi tác giả Makoto Yamada – Bác sĩ Nhi khoa, Giám đốc phòng khám trung tâm Hachioji, sẽ cung cấp cho cha mẹ và các bé những kiến thức quan trọng và cần thiết về việc sơ cứu vết thương khi: bị bỏng, xây xát, vết cắt nhỏ, bị dằm đâm, bị kẹp cửa vào tay, chảy máu cam, nấc; va đập, bị ong đốt, côn trùng bay vào tai, bị mèo cào và khi bị tê chân.
"Chiếc hộp cứu thương" hướng dẫn những kỹ năng xử lý vết thương cần thiết cho trẻ
Bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu của họa sĩ Gen-ichiro Yagyu, cách xử lý các vết được miêu tả chi tiết, lôi cuốn trẻ vào thực hành qua đó giúp trẻ dễ nhớ hơn.
Cụ thể, cuốn sách hướng dẫn trẻ nếu bị bỏng, bé cần ngay lập tức xả nước lạnh vào vết bỏng. Bằng cách để tay dưới vòi nước 10 phút hoặc cho ngón tay vào cốc.
Sau đó, bé cần nhờ mẹ quấn băng vào. Ngày tiếp theo, tháo băng ra xem, nếu chỉ còn hơi đỏ thì sẽ sớm khỏi. “Nếu có bọc nước nổi lên, làm vỡ bọc rồi dán băng vết thương vào”.
Cuốn sách cũng hướng dẫn, nếu trẻ bất ngờ bị chảy máu cam, bé hãy bịt mũi, hơi cúi đầu xuống và ngồi yên, sau 5 phút máu sẽ ngừng chảy.
Trường hợp sau 5 phút máu vẫn chảy hãy nhét bông vào mũi, 10 phút sau máu sẽ ngừng chảy. Nếu làm đến vậy mà máu vẫn chảy thì cha mẹ cần mang bé đến bệnh viên tai mũi họng.
Dựa trên kiến thức có được từ cuốn sách “Chiếc hộp cứu thương” dễ thương này, cha mẹ có thể trang bị một chiếc hộp cứu thương trong gia đình với những thiết bị và phương tiện đơn giản, cần thiết.
Những câu chuyện giản dị, gần gũi không chỉ ảnh hưởng tích cực đến việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ mà còn giúp xây dựng, gắn kết mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với con. Việc đọc EHON cho trẻ nghe được đánh giá là một trong những cách nuôi dạy con có hiệu quả cao ở Nhật Bản hiện nay. |
Thục Linh
Bạn đang xem bài viết Bộ sách Ehon về sự thật cơ thể cha mẹ nhất định phải đọc cho trẻ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].