Bệnh viện Phổi Trung ương mới đây đã cứu sống một bệnh nhân 67 tuổi đến từ Thái Bình nhập viện trong tình trạng tổn thương nhu mô hai phổi lan rộng nhanh, tiên lượng rất xấu. Được biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân này đã để tình trạng ho, sốt cao kéo dài liên tục dẫn đến sụt cân nhanh và suy kiệt.
Sau khi được cứu thoát khỏi cơn hiểm nghèo vài ngày, chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân NTS cho hay: “Khoảng đầu tháng 2/2018 tôi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt 38-39oC kéo dài, người mệt mỏi. Ban đầu chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường nên đã đi khám ở phòng khám gần nhà, truyền nước và lấy thuốc điều trị.
Nhưng sau đó không thấy đỡ, gia đình đã đưa tôi lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây bác sĩ đã chẩn đoán tôi bị viêm phổi và yêu cầu nhập viện điều trị. Sau 2 tuần điều trị, bệnh tình của tôi vẫn không đỡ, người tiếp tục mệt mỏi không đỡ.Cuối cùng gia đình quyết định đưa tôi lên Bệnh viện Phổi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của tôi đã chuyển biến nặng, chậm chút nữa thôi là tôi đã tử vong”.
Trao đổi với Gia Đình Mới về trường hợp bệnh nhân này, TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường 10 năm, nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng, ho khạc đờm vàng, cơ thể suy kiệt.
“Kết quả chụp phim ngực cho thấy tổn thương ở phổi rất nặng, tiên lượng bệnh xấu. Bệnh nhân đã được chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng kết hợp duy trì chế độ kiểm soát đường huyết… Kết quả thật may mắn, sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và chuẩn bị xuất viện”- BS Bích Ngọc cho hay
Theo bác sĩ Ngọc, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường. Thông thường, ở những bệnh nhân này tình trạng viêm phổi sẽ nặng hơn, nhiều biến chứng hơn và việc điều trị kéo dài, tốn kém và khó khăn hơn so với người bình thường.
Nguyên nhân là do: “Ở bệnh nhân đái tháo đường, hệ miễn dịch bị suy giảm do vậy dễ mắc bệnh hơn so với người khỏe mạnh. Tiếp nữa là nồng độ đường trong máu cao sẽ giúp vi khuẩn phát triển và lan tràn trong cơ thể. Không những vậy, vi khuẩn ở trong môi trường đường huyết cao thì độc tính của vi khuẩn cũng mạnh hơn nên bệnh nhân rất dễ mắc viêm phổi hoặc những bệnh lý khác”- BS Ngọc nhấn mạnh.
Đáng chú ý, không chỉ có biểu hiện sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực…, những bệnh nhân đái tháo đường mắc viêm phổi bệnh thường nặng hơn, tỷ lệ biến chứng bệnh (biến chứng viêm phổi chủ yếu là suy hô hấp, mủ màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng máu) và tử vong cao hơn.”, bác sĩ Ngọc cho biết./.
Lưu ý đặc biệt để tránh mắc viêm phổi đối với bệnh nhân đái tháo đường
-Hạn chế tối đa các nguyên nhân gây bệnh ở phổi bằng cách bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các nguồn lây vi khuẩn, virus như người cảm lạnh, cảm cúm, người mắc các bệnh về hô hấp khác, người mắc bệnh sởi, thủy đậu, lao phổi…
-Rửa sạch tay, bảo vệ đường hô hấp khi đi ra ngoài bằng khẩu trang y tế. Tiêm phòng cũng là cách giúp người bệnh tiểu đường phòng tránh bệnh phổi.
-Điều quan trọng nhất là ở những bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ ăn hợp lý và chế độ luyện tập đúng để kiểm soát tốt đường huyết.
(Theo TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương)
Ngọc Nga/GiaDinhMoi