Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại Hà Nội. Đáng nói là có nhiều người vẫn quan niệm sai lầm về bệnh sốt xuất huyết khiến bệnh chuyển biến phức tạp hơn.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn TP.Hà Nội ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó.
Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 164 ổ dịch đang hoạt động tại 23 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân như thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 238 bệnh nhân; thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai có 55 bệnh nhân; tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên có 53 bệnh nhân.
Bệnh sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong…
Nhiều người cho rằng, khi mới bị sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Quan niệm này là chưa đúng. Bởi vì bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3 và DEN – 4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch đối với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ ba, dẫn tới tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng hết sốt là đã khỏi bệnh. Nhưng thực tế, khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày 7 mới là lúc bệnh chuyển biến nặng.
Vậy nên, ở giai đoạn sốt giảm hoặc cắt sốt bệnh nhân cần được theo dõi nghiêm ngặt vì thời điểm này tiểu cầu hạ rất nhanh, có thể dẫn đến nguy cơ xuất huyết, có thể có tình trạng sốc, cô đặc máu. Giai đoạn này cần được theo dõi sát các biểu hiện cùng với xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận, đặc biệt đối với người bệnh cao tuổi, trẻ nhỏ.
Nhiều người có quan niệm cứ sốt, mệt là gọi người về nhà truyền dịch để nhanh khỏi. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Người bệnh mắc sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch, truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế cho phép để khi có sự cố được xử lý được kịp thời.
Những trường hợp bị sốt xuất huyết có chỉ định truyền dịch là bệnh nhân nôn ói nhiều kèm theo tiêu chảy, không ăn uống được, mất nước, lượng nước vào cơ thể không đủ,...
Việc tự ý truyền dịch sẽ khiến cơ thể giữ nước dù bệnh nhân có đi tiểu ra ngoài một phần nhưng vẫn giữ nước ở các kẽ. Bệnh nhân sẽ bị phù, dư ở ngoài nhưng thiếu trong. Vì vậy bệnh nhân sẽ vừa bị sốc (rối loạn tuần hoàn làm giảm tưới máu cấp ở các mô) lại vừa suy hô hấp do trước đó truyền dịch.
Để tốt cho sức khỏe, trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh cần uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối.
Khi người bệnh bị sốt, cần lau người bằng nước ấm để giúp hạ thân nhiệt, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất khi sốt trên 38,5 độ C, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt xuất huyết, do đó, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng trong bịch ny lon, hộp cơm, chai lọ, vỏ xe… quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý mắc màn khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.