Trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có một bữa rượu “no say”, sau khi về nhà bệnh nhân thấy đau bụng, cơn đau càng ngày càng nặng nên gia đình đã đưa đến bệnh viện
Theo BS. Nguyễn Văn Chúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, Khoa vừa cấp cứu cho bệnh nhân P.V.Đ (35 tuổi, ở tại Văn Yên, Yên Bái) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng chướng chăng, nôn nhiều trong thể trạng da vàng sạm, môi khô, mắt trũng sâu…
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân từng bị viêm gan do rượu gây xơ gan. Người nhà bệnh nhân cũng cho biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu khoảng 6 năm nay.
Lần này, trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có một bữa rượu “no say”, sau khi về nhà bệnh nhân thấy đau bụng, cơn đau càng ngày càng nặng nên gia đình đã đưa đến bệnh viện tuyến huyện.
Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.
Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh, lọc máu liên tục 3 lần. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, ăn được cháo và không phải lọc máu.
Theo BS. Nguyễn Văn Chúc, ở Việt Nam, 60% bệnh nhân viêm tuỵ cấp do rượu. Khi bị viêm tuỵ cấp, bệnh nhân có thể bị đe doạ tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
“Tuỵ là nơi vừa nội tiết (isulin để duy trì đường máu), vừa ngoại tiết (chứa enzym chuyển hoá thức ăn) nên khi tuỵ bị viêm sẽ không hấp thu, hoạt hoá được men dễ dẫn đến hoại tử tuỵ, gây sốc, giảm tất cả các chức năng trong cơ thể, dẫn đến suy đa tạng, đe doạ tính mạng. Bệnh có thể diễn biến nặng trong 48 - 72 giờ”, BS Nguyễn Văn Chúc chia sẻ.