Chuyên gia tim mạch cho biết, có sự gia tăng các biến cố tim mạch xảy ra sau trận đấu do các cổ động viên liên hoan, uống rượu bia. Đây là điều đáng báo động....
Trở lại với không khí sôi động của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup 2018) khiến hàng triệu triệu trái tim người hâm mộ bóng đá “loạn nhịp”, các chuyên gia cho biết, vấn đề tâm lý rất quan trọng. Chính vì thế, nhiều người lo ngại, sự căng thẳng, áp lực thi đấu có gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim không?
Trả lời vấn đề này, TS.BS Phan Đình Phong – Trưởng phòng Q3A, Viện Tim mạch Việt Nam, Tổng thư ký Hội nhịp tim Việt Nam cho biết, cầu thủ là con người phi thường về sức khỏe, họ được tập luyện bền bỉ nhiều năm, về cơ bản họ phải thích ứng với điều kiện thi đấu áp lực, căng thẳng.
“Khi thi đấu, các cầu thủ có thể tăng nhịp tim hơn nhiều so với người bình thường vì họ là người chuyên nghiệp, trước khi vào trận đấu họ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thực sự không có rối loạn nào ghi nhận, trừ một vài ngoại lệ do cố gắng quá gây chết trên đường đua, trên sân cỏ”- TS. Phong nói.
Về phía những cổ động viên bóng đá, khi tập trung cao độ vào trận đấu và quá phấn khích hò reo liệu có ảnh hưởng gì cho sức khỏe không? TS. Phong cho rằng, các xúc cảm của cuộc sống là lẽ tự nhiên, có buồn - vui, hi vọng - thất vọng nếu chỉ trong vài tích tắc và không lặp đi lặp lại thì đó chỉ là rối loạn sinh lý bình thường. Nhưng ở các trận đấu đỉnh cao, những thay đổi quá mức có thể thành stress với 1 cá thể nào đó.
Tuy nhiên, TS. Phong cũng cho rằng, phần lớn cảm xúc trong thể thao là tích cực, có thể là niềm vui, hi vọng, gắn kết con người với nhau.
“Song cũng cần chú ý, những người bị bệnh tim mạch, huyết áp cần tránh stress quá mức. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu năm 2006, đây là thời điểm diễn ra World Cup tại Đức thì thấy vào những ngày có đội tuyển Đức thi đấu, có sự gia tăng bệnh nhân các bệnh lý tim mạch, điều này chứng tỏ cảm xúc quá mức có thể gây ảnh hưởng nhất định. Nhưng con số tuyệt đối những bệnh nhân nhập viện vì tim mạch do cảm xúc trong bóng đá không phải là nhiều”- vị chuyên gia tim mạch cho biết.
TS. Phong cũng đưa một thông tin đáng chú ý là có sự gia tăng các biến cố tim mạch xảy ra sau trận đấu do các cổ động viên liên hoan, uống rượu bia. Đây mới là điều đáng cảnh báo chứ không phải là cảm xúc trong trận đấu.
Vấn đề dinh dưỡng cho cầu thủ bóng đá được rất nhiều người quan tâm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, các cầu thủ hoạt động ở mức độ cao thì trước hết các cầu thủ được nuôi dưỡng tốt nhất là từ trong bụng mẹ, bên cạnh đó kỹ năng rất quan trọng.
“Cầu thủ Việt Nam đã được tuyển chọn, có tài năng. Các câu lạc bộ đã có chế độ dinh dưỡng, đủ năng lượng, đủ đạm để cầu thủ phát triển cơ bắp và hoạt động ở cường độ cao. Ngoài ra vấn đề đủ các vi chất dinh dưỡng rất quan trọng.
Năm nay chúng ta thấy các cầu thủ ít có chuyện chuột rút, vấn đề chế độ ăn đủ canxi, đủ magie rất quan trọng và chính tôi là người viết tư vấn cho câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và của Liên đoàn bóng đá Việt Nam để đảm bảo ít nhất 1000mg canxi/ngày để khi hoạt động như vậy thì cơ bắp ít bị chuột rút khi hoạt động và magie cũng phải đủ giúp khoáng hóa xương tốt, khớp linh hoạt hơn không kể các vi chất khác. Đủ magie, canxi sẽ giúp nhịp tim cầu thủ được hồi phục tốt khi gắng sức.
Cầu thủ cũng có các vấn đề về thiếu máu, nếu thiếu sẽ ảnh hưởng không chạy được những đường bóng, tốc độ cao cầu thủ cần chú ý đủ sắt... Hiện nay cầu thủ cũng đã được chú ý tốt về dinh dưỡng”- PGS. Lâm nói.
Ở giai đoạn nghỉ ngơi, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, các cầu thủ cần một chế độ ăn lành mạnh và đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ở thời gian nghỉ ngơi khác thời gian thi đấu. Cầu thủ cần đủ năng lượng, giàu đạm hồi phục cơ bắp, đủ năng lượng duy trì sức khỏe và các vitamin, khoáng chất trong đó canxi, magie, sắt, kẽm đủ theo nhu cầu khuyến nghị sẽ hồi phục tốt.