Ô nhiễm môi trường gây rối loạn kinh nguyệt, tăng hormone nam ở trẻ gái dậy thì

Phơi nhiễm với không khí bẩn ngoài việc gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp, còn tác động xấu đến chu kỳ kinh nguyệt ở các trẻ em gái tuổi dậy thì – một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho biết.

Trẻ em gái có thể xuất hiện kinh nguyệt muộn hoặc kinh nguyệt không đều do sống trong môi trường ô nhiễm không khí

Các bụi nhỏ lơ lửng, loại chất rắn có kích thước khoảng 0.05mm có thể khiến các trẻ em gái tuổi teen có kinh nguyệt chậm hơn so với thông thường, đồng thời chu kỳ kinh nguyệt cũng không đều đặn.

Đây là kết luận được công bố trên tạp chí Human Reproduction (Sức khỏe sinh sản).

TSP (viết tắt của total suspended particulates: bụi nhỏ lơ lửng) là những hạt bụi tạo ra bởi khí thải các phương tiện giao thông, khói đốt than. Đây được coi là nhân tố làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone.

Ở phụ nữ, TSP có thể gây ra sự gia tăng quá mức của hormone nam tính (testosterone), chính điều này gây ra tình trạng có kinh nguyệt muộn hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Shruthi Mahalingaiah (Đại học Boston), nói: ‘Không khí ô nhiễm không chỉ liên quan đến bệnh tim mạch, bệnh phổi. Nghiên cứu này còn chỉ ra các hệ thống khác, như hệ thống nội tiết sinh sản, cũng bị ảnh hưởng’.

Nghiên cứu này tiến hành trên 34.832 phụ nữ tuổi từ 25 – 42, những người đã nhập học tại trường Nghiên cứu Y học năm 1989.

Các nhà khoa học tìm hiểu mức độ TSP trong không khí xung quanh nơi ở của các phụ nữ tham gia. Thông số TSP được cung cấp bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ.

Đồng thời, người tham gia được hỏi về độ tuổi nào họ bắt đầu có kinh nguyệt, mất bao lâu để chu kỳ kinh nguyệt của họ bình thường.

Kết quả cho thấy: TSP cứ 45 μg/m3 không khí của người tham gia khảo sát ở giai đoạn nữ sinh trung học, thì có 8% tăng thêm các vấn đề bất thường về chu kỳ kinh nguyệt. Việc đến ngày ‘đèn đỏ’ của họ không ổn định suốt thời gian học trung học, sau đó tiếp tục từ 18 – 22 tuổi.

Các nhà nghiên cứu định nghĩa kinh nguyệt bất thường là việc có kinh nguyệt lộn xộn, nhiều hơn hoặc ít hơn chu kỳ ổn định thông thường từ 21 – 35 ngày.

Độ tuổi bắt đầu có kinh nguyệt thông thường với các bé gái tại Mỹ là 12 tuổi, tuy nhiên nếu có kinh nguyệt từ 10 – 15 tuổi cũng được coi là bình thường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cứ tăng TSP thêm 45 μg/m3 không khí thì nguy cơ tăng hormone nam giới ở các thiếu nữ lại thêm 11%.

Chính vì bị tăng hormone của nam giới nên các thiếu nữ bị chậm kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh liên quan đến nội tiết tố như u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan