Nữ sinh chuyên toán lớp 11: Bỗng dưng cứ học thì ngất, ngày thi lại ốm

Thấy con từ một đứa trẻ học có thành tích học giỏi xuất sắc, giờ kết quả học tập sút kém làm người mẹ cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp, bạn bè, nhất là mỗi khi Cty phát phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi

Xem thêm

TS.BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho một nữ sinh học lớp 11 chuyên toán gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập.

Em được sinh ra trong gia đình có 2 chị em và bố mẹ có điều kiện nên khá chiều chuộng các con.

Em này học rất giỏi, toàn diện tất cả các môn học. Đặc biệt, em học rất giỏi 2 ngoại ngữ Anh và Pháp, với mục tiêu phấn đấu có kết quả học tập cao để đi du học.

Nhưng vào học kỳ 2 của năm học lớp 11, nữ sinh này bắt đầu gặp phải tình trạng căng thẳng trong học tập: ngủ kém, dễ cáu gắt, lo âu, thậm chí xuất hiện những cơn ngất.

Áp lực học tập căng thẳng làm trẻ sợ hãi, lẩn trốn vào bệnh tật, cứ động đến học là bị ngất xỉu. Ảnh minh họa

Cơn ngất của cô bé thường liên quan đến căng thẳng tâm lý như bài vở nhiều, không đạt điểm cao ở trường học, không đạt được điểm ngoại ngữ như mong muốn. Thời gian cơn ngất có lúc kéo dài đến 3 giờ đồng hồ, trong cơn mệt vẫn nhận biết được xung quanh.

Gia đình đã đưa nữ sinh đi bệnh viện khám và thời gian đến viện ngày càng nhiều hơn vì cơn ngất xuất hiện nhiều và kết quả học tập của nữ sinh kém đi.

Hơn nữa, thành tích học tập của nữ sinh kém đi làm cho mẹ cô bé tỏ ra chán nản. Bởi công ty mẹ cô bé phát phần thưởng cho các con của nhân viên mà con mình từ một đứa trẻ học rất giỏi giờ kết quả kém làm người mẹ cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp, bạn bè.

Sau một thời gian điều trị, bệnh của nữ sinh có thuyên giảm nhưng cứ đến kỳ thi là cô bé lại ốm, có lúc lại xuất hiện những biểu hiện khác như tê bì tay chân, đau đầu, mất tiếng…

Một trong những nguyên nhân gây rối loạn lo âu, trầm cảm ở học sinh, sinh viên là do áp lực học tập (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Cầm, áp lực học tập và sự kỳ vọng của gia đình có thể là những nguyên nhân gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, căng thẳng, ngất… ở trẻ.

Đặc biệt, số lượng trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần đến khám bệnh có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Mà một trong những nguyên nhân gây rối loạn lo âu, trầm cảm ở trẻ là do áp lực học tập.

Để nhận biết sớm các biểu hiện trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, TS.BS Vũ Thy Cầm chỉ rõ, cha mẹ nên chú ý những biểu hiện sớm như:

- Trẻ có cảm xúc buồn, lo âu, bất an

- Trẻ dễ cáu gắt, không tập trung chú ý, học tập kém hiệu quả, hay quên

- Trẻ có những cơn ngất, co giật, khó thở, đau ngực… chức năng

- Về thể chất trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, gầy sút, khó ngủ, ăn kém, tim đập nhanh, chậm chạp hơn…

TS.BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trong một chuyến công tác khám chữa bệnh cho học sinh vùng cao

Khi trẻ có những dấu hiệu gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nếu không được điều trị sớm và hợp lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ như ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, nghề nghiệp…

Nguy hiểm hơn, hành vi tự sát do phản ứng tâm lý tiêu cực ở trẻ hoặc do trầm cảm nặng, có loạn thần.

Để hạn chế tình trạng trẻ mắc rối loạn tâm thần do áp lực học tập, TS.BS Vũ Thy Cầm khuyến cáo: 

- Học sinh ngày nay có nhiều áp lực trong việc học tập và cuộc sống, nếu cha mẹ và giáo viên không hiểu được nhu cầu tâm lý của từng lứa tuổi mà chỉ ép việc học tập quá sức hoặc quá sớm, chỉ quan tâm đến kết quả học tập, thi cử sẽ khó có thể tránh được các rối loạn tâm lý ngày càng phát triển ở trẻ. 

- Cần giáo dục nhận thức cho trẻ từ khi còn nhỏ bao gồm: phải ý thức được những biểu hiện bệnh tật, biết khắc phục những nhược điểm của mình, rèn luyện nhân cách vững mạnh bằng cách có thể đặt trẻ vào hoàn cảnh khó khăn để phát triển những kỹ năng thích nghi tốt nhất, khắc phục hoàn cảnh gây sang chấn tâm lý. 

- Sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô chính là áp lực tâm lý cho học sinh. Học chính khóa, học thêm kiến thức, ngoại ngữ, âm nhạc… làm cho lịch học dày đặc, không có thời gian nghỉ ngơi, tạo áp lực cho trẻ. 

- Cần xem xét khả năng của trẻ đến đâu, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, lắng nghe trẻ nhiều hơn, định hướng tốt cho trẻ bớt stress, động viên trẻ kịp thời mỗi khi gặp phải vấn đề căng thẳng. 

- Trẻ cần có chế độ học tập, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, rèn luyện thể lực bằng chơi thể thao. 

- Cha mẹ luôn gần gũi trẻ, biết lắng nghe trẻ, nhận thấy những thay đổi cảm xúc ở trẻ, sớm cho trẻ đi khám tại chuyên khoa tâm thần để được tư vấn lựa chọn điều trị thích hợp bằng liệu pháp tâm lý hay thuốc để tránh các rối loạn liên quan stress ở trẻ.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan