Đau đầu mãn tính: Dấu hiệu của trầm cảm
PGS.TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một rối loạn phổ biến, đây không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhận biết trầm cảm:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết thêm, ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân trầm cảm còn có 18-22 triệu chứng cơ thể khác như đau nhức đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, đau khớp…
Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, nếu như bị đau nhức đầu mãn tính, đi khám nội khoa, ngoại khoa nhưng không phát hiện bị bệnh gì, người bệnh nên nghĩ đến vấn đề sức khỏe tâm thần và đến khám ở chuyên khoa sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm và đau nửa đầu có sự tương tác 2 chiều
Đau nửa đầu gây cảm giác mạch đập mạnh, hay buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, thường kéo dài từ 4- 72 giờ.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng ở Taipei, Đài Loan, họ đã sớm chứng minh được mối liên hệ giữa lo lắng trầm cảm và chứng đau nửa đầu. Một số nhà khoa học còn nghi ngờ rằng sự kết nối đó là do gien di truyền.
Nhìn chung, phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu cao gấp 3 lần nam giới. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết, bỏ qua vấn đề giới tính thì trong số các tác nhân phức tạp khác, lo lắng và trầm cảm tác có động rất lớn tới những cơn đau đầu.
Qua việc theo dõi 588 người bị chứng đau nửa đầu, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự tác động qua lại giữa 3 nhân tố: đau đầu, mất ngủ và trầm cảm.
Thời gian và chất lượng giấc ngủ đã nói trước được tần suất đau đầu của những người tham gia. Ngược lại, chứng đau đầu thường xuyên cũng dự đoán những vấn đề về giấc ngủ.
Nghiên cứu không giải thích nguyên nhân của mối liên hệ gần gũi này, tuy nhiên có thể liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh Serotonon.
Sự suy giảm Serotonin khi bị đau nửa đầu có thể chỉ ra rằng hormone có liên quan tới nguồn gốc của những cơn đau đầu. Việc thiếu cân bằng Serotonin cũng được cho rằng là nguyên nhân gây ra những rối loạn cảm xúc như lo lắng và trầm cảm.
Các tác giả kết luận: “Kết quả nghiên cứu cho thấy các liệu pháp điều trị dự phòng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm và lo lắng ở người bị chứng đau nửa đầu”.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Đau nửa đầu: Dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm dễ bị bỏ qua tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].